Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Báo cáo PCI 2021 là ấn phẩm lần thứ 17 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Với quy mô điều tra toàn diện và phương pháp luận cập nhật định kỳ nhằm phản ánh kịp thời những chuyển động của môi trường kinh doanh Việt Nam, PCI 2021 chuyển tải tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố, từ những trải nghiệm thực tế của các doanh nghiệp.
Theo đó, năm 2021, Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ 5 liên tiếp với 73,02 điểm trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đứng thứ hai là Hải Phòng, lần đầu tiên nắm giữ vị trí á quân của bảng xếp hạng PCI với 70,61 điểm. Lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là Đồng Tháp (70,53 điểm) và Đà Nẵng (70,42 điểm). Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2021 bao gồm Vĩnh Phúc (69,69 điểm), Bình Dương (69,61 điểm), Bắc Ninh (69,45 điểm), Thừa Thiên-Huế (69,24 điểm), Bà Rịa-Vũng Tàu (69,03 điểm), và Hà Nội (68,60 điểm
Đối với tỉnh Bắc Kạn, nếu như năm 2019 và năm 2020 đứng vị trí thứ 59 thì năm 2021 đã vươn lên đứng thứ 48 trong Bảng xếp hạng, tăng 11 bậc, điểm số PCI năm 2021 đạt 62,26 điểm, tăng 0,29 điểm so với năm 2020. Trong 10 chỉ số thành phần, có 6 chỉ số tăng điểm, 03 chỉ số giảm điểm, 01 chỉ số giữ nguyên điểm số so với năm 2020. Cụ thể, 06 chỉ số tăng điểm gồm: Chỉ số tiếp cận đất đai đạt 7,83 điểm (tăng 1,72 điểm so với năm 2020); Chỉ số tính minh bạch 6,25 điểm (tăng 0,36 điểm so với năm 2020); Chỉ số chi phí thời gian 7,61 điểm (tăng 0,8 điểm so với năm 2020); Chỉ số Chi phí không chính thức 7,14 điểm (tăng 1,15 điểm so với năm 2020); Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng 6,67 điểm (tăng 0,4 điểm); Tính năng động của chính quyền tỉnh 6,94 điểm (tăng 1,69 điểm). 01 chỉ số giữ nguyên so với năm 2020 là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 5,62 điểm. 03 chỉ số giảm điểm so với năm 2020 gồm: Chỉ số gia nhập thị trường năm 2021 đạt 5,17 điểm (giảm 2,98 điểm so với năm 2020; Đào tạo lao động 5,34 điểm (giảm 1,11 điểm); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 7,17 điểm (giảm 0,37 điểm).
Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Bắc Kạn năm 2021 công bố trên website https://pcivietnam.vn
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08- NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đây là định hướng quan trọng để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Thực hiện các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ, Tỉnh uỷ và Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động; chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; chỉ đạo tổ chức khảo sát đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành nhằm đánh giá khách quan và đẩy mạnh thi đua giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...
Các sở, ban, ngành, địa phương, đã xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Đó chính là sự khích lệ, động viên to lớn cho cả bộ máy chính quyền của tỉnh về sự nỗ lực vượt qua những rào cản, tiếp tục có những thay đổi trong lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính, thay đổi nhận thức về vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự tăng trưởng của địa phương…
Theo đánh giá của tỉnh, đây là kết quả hết sức tốt đẹp nhưng mới là bước đầu. Để giữ vững và nâng cao hơn nữa chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo, các sở, ban, ngành, địa phương và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh, với vai trò, vị trí của mình, cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo, hết lòng vì sự nghiệp chung, tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, khoa học; đề xuất cắt giảm các thủ tục phiền hà, không cần thiết; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, thăm nắm, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, đặc biệt chú ý có những giải pháp cụ thể, quyết liệt để cải thiện các chỉ số còn thấp và giảm điểm trong năm 2021 như chỉ số gia nhập thị trường, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý…
Thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh sẽ luôn đồng hành, sát cánh, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư có nhiều thành công trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục hợp tác, gắn bó, chung tay cùng chính quyền vì một Bắc Kạn ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp./.