Thứ Ba, 09/07/2024
Ngày đăng: 25/06/2024 - Lượt xem: 19
Xem với cỡ chữ

Hệ thống Ngân hàng tỉnh Bắc Kạn tiên phong trong công tác chuyển đổi số

Tài chính - Ngân hàng là một trong 08 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 (gọi tắt là Đề án chuyển đổi số quốc gia). Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tập trung xây dựng, triển khai các Kế hoạch chuyển đổi số, hoàn hiện khuôn khổ pháp lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật, công nghệ số, phát triển dịch vụ ngân hàng số, kết nối liền mạch hệ sinh thái số tập trung vào giá trị của khách hàng, khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư tích hợp với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng...

Hệ thống Ngân hàng tỉnh Bắc Kạn đã và đang tích cực triển khai, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Đề án tổng thể Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 296/KH-UBND ngày 10/5/2022 của UBND tỉnh về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn giai đoạn 2022-2025…

Trong đó, tập trung thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, trình độ về công nghệ thông tin và kỹ năng về chuyển đổi số; thường xuyên tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng gắn với chuyển đổi số.

Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cử 53 lượt công chức, người lao động tham gia các khóa bồi dưỡng “Nâng cao kỹ năng chuyển đổi số dành cho Lãnh đạo”, “Chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng”, “Mô hình ngân hàng số và chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam”, “Chương trình đào tạo nâng cao nhận thức chuyển đổi số, hỗ trợ triển khai Đề án 06”, tham gia Hội thảo Banking, hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Ngành Ngân hàng, Ngày chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn.


Ngân hàng Công Thương chi nhánh tỉnh Bắc Kạn tư vấn các giải pháp thanh toán
qua ngân hàng cho đồng bào dân tộc Dao tại Ngày hội chuyển đổi số

Các Ngân hàng tập trung phát triển hạ tầng số, ứng dụng hạ tầng, công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng 4.0, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm của khách hàng, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ; nâng cao khả năng kết nối, liên thông, triển khai mở rộng, hạ tầng kết nối theo kế hoạch của ngành.

Bên cạnh đó, nâng cấp cơ sở hạ tầng khai thác dữ liệu và phân loại, cung cấp thông tin tín dụng trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối; thu thập, số hóa dữ liệu khách hàng; kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng; triển khai giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Đồng thời, hệ thống ngân hàng đã mở rộng hệ sinh thái số và triển khai các dịch vụ thanh toán 24/7, phương thức thanh toán điện tử, trực tuyến thông qua Internetbanking, Mobilebanking, ATM, POS, thanh toán qua mã QR, các giao dịch ví điện tử, thanh toán thẻ, tài khoản thanh toán, xác thực điện tử (eKYC), lắp đặt đưa vào sử dụng các máy Auto Bank (CDM cho phép khách hàng tự gửi, rút tiền, thanh toán) trên cơ sở ứng dụng công nghệ số; cùng với áp dụng chính sách miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán ngân hàng và liên ngân hàng.

Đến nay, toàn tỉnh có 37 ATM, 80 POS, hơn 192 nghìn người từ 15 tuổi  trở lên có tài khoản tại các Ngân hàng, gần 74 nghìn người có tài khoản tại các đơn vị trung gian thanh toán (Viettel Money, VNPT Money); tiếp tục thực hiện trả lương qua tài khoản đối với 979 cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: Thu thuế, phí, lệ phí, tiền điện, tiền nước, tiền học phí, tiền viện phí, bảo hiểm, lương hưu, chi trả các chương trình an sinh xã hội; phối hợp thực hiện thu, chi ngân sách Nhà nước, không giao dịch tiền mặt trực tiếp tại Trụ sở Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện. Các phương tiện, dịch vụ thanh toán qua ngân hàng được vận hành thông suốt, ổn định, xử lý các giao dịch thanh toán với tốc độ cao, giá trị lớn, đáp ứng nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, an toàn và bảo mật, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ cơ sở dữ liệu thanh toán theo đúng quy định.

Thời gian qua, công tác truyền thông về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng được tập trung thực hiện với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, nhân viên Ngân hàng và sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi của người tiêu dùng trong tiếp cận, khai thác và sử dụng các dịch vụ ngân hàng số; truyền thông về tiện ích, an toàn, hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ số. Thông tin, tuyên truyền, chia sẻ, hướng dẫn về các nguy cơ đe dọa an ninh mạng cũng như khuyến cáo, cảnh báo, hỗ trợ khách hàng phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi lừa đảo, tấn công của tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng có liên quan đến các giao dịch ngân hàng, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng với giá trị hàng tỷ đồng.

Thực hiện chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong các phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngân hàng, thi đua chuyên đề, các đợt thi đua cao điểm "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", nhiều lượt tập thể, cá nhân thuộc các Ngân hàng tỉnh được cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng với những thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo.

Kết quả công tác chuyển đổi số trong thời gian qua đã khẳng định nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Ngân hàng nói chung và hệ thống Ngân hàng tỉnh Bắc Kạn nói riêng luôn giữ vững vai trò tiên phong trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số của tỉnh, Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Quá trình chuyển đổi số triển khai một cách tổng thể, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo an ninh, an toàn, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, phục vụ tốt nhất cho người dân.

CTV Ma Hồng Bính - Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn