Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 44
Xem với cỡ chữ

Nông nghiệp Bắc Kạn: Thay đổi để bắt kịp xu thế chuyển đổi số

Cùng với sự phát triển của nông nghiệp số trên cả nước, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đang có những thay đổi, bắt kịp xu thế nhằm tạo dựng môi trường nông nghiệp số trên địa bàn.

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Mục tiêu này cũng đang được các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh, với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi. Nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Thời gian qua, các địa phương tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng sản xuất theo hướng tập trung, sử dụng giống cây chất lượng, cho năng suất cao; tăng cường thâm canh gắn với liên kết tiêu thụ; thực hiện chứng nhận ATTP hoặc VietGAP. Nhằm thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển, tỉnh tiếp tục kêu gọi, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện hỗ trợ liên kết, hợp tác trong phát triển nông, lâm nghiệp. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 các HTX vẫn chủ động sản xuất kinh doanh theo kế hoạch, tiêu biểu như HTX Tài Hoan đã xuất khẩu miến dong đợt 2 sang thị trường Châu Âu với sản lượng 10,5 tấn; một số HTX đã chủ động ký kết tiêu thụ sản phẩm bí đỏ, bí xanh… với các hệ thống siêu thị lớn với tổng sản lượng tiêu thụ trên 600 tấn.

Để giúp khơi thông và lan tỏa mạnh mẽ “dòng chảy” chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi số cần tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và ngay cả lĩnh vực điều hành, quản lý cũng cần ứng dụng mạnh chuyển đổi số để các chính sách hỗ trợ, chỉ đạo sản xuất được kịp thời hơn. Có như vậy, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới không bị “lỡ nhịp” chuyển đối số trong cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.

Sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn được quảng bá trên website

Cùng với xu thế chuyển đổi số quốc gia, năm 2021, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Kế hoạch về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử cũng nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các hộ SXNN thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn TMĐT, nền tảng số. Hỗ trợ hộ SXNN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi vào cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.

Thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ SXNN như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón… Lựa chọn đưa lên sàn TMĐT các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ SXNN thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ SXNN.

Theo Đề án chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn, tỉnh sẽ tập xây dựng cơ sở dữ liệu nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp trên môi trường mạng, đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu. Xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin nông nghiệp từ các nguồn dữ liệu: trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi và phòng chống thiên tai, kết hợp dữ liệu khí tượng - thủy văn, tình hình thiên tai, dịch bệnh và dữ liệu bản đồ nền. Xây dựng website quảng bá, giới thiệu, quản lý, buôn bán sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bắc Kạn. Triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS hỗ trợ quản lý, giám sát và cảnh báo dịch bệnh; đưa vào sử dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy trình theo hướng hữu cơ, GAP…thông qua các phần mềm hỗ trợ trồng trọt, nông lịch, hệ thống tưới tự động.

Bên cạnh đó, tiếp tục quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo phương thức nuôi thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Triển khai các ứng dụng, cảm biến cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, nguồn nước để người dân chủ động các giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất, nuôi trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số. Phát triển các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc… cho nông nghiệp, nông thôn và người nông dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm.

Để chuyển đổi số nông nghiệp thành công cần đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất. Để thích ứng với chuyển đổi số, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người nông dân là yêu cầu cấp thiết cần được  quan tâm. Người nông dân ngoài chủ động học hỏi nâng cao vai trò của người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp, có thể chủ động lên sàn, giao lưu với người mua, giới thiệu những đặc tính khác biệt của sản phẩm để có giá trị cao hơn.

Câu chuyện chuyển đổi số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chỉ vừa mới bắt đầu. Chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới, đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh vươn lên bắt kịp xu thế của tương lai./.

Nguyễn Nga