Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 57
Xem với cỡ chữ

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là quá trình lâu dài và phức tạp đòi hỏi từng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp địa phương cần nhìn nhận rõ sức lực, mục tiêu cụ thể, lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Nhận thức rõ mục tiêu của chuyển đổi số, tỉnh Bắc Kạn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình xây dựng nền kinh tế số trên địa bàn.

Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp đã biết nắm bắt cơ hội, dần ứng dụng các giải pháp phần mềm vào hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiếp thị sản phẩm hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng cũng như nhu cầu quản trị kinh doanh.

Hợp tác xã Như Cố (Chợ Mới) sử dụng mạng xã hội trong việc quảng bá sản phẩm

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đã chủ động tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để trao đổi, mua bán và xây dựng website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã có giao dịch thương mại điện tử, sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; tham gia các trang thông tin điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh...

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), ngành Công Thương đã chú trọng triển khai các Đề án phát triển TMĐT như: Xây dựng và vận hành phần mềm DVCTT mức độ 3 cho một số lĩnh vực cấp phép (năm 2016); xây dựng Hệ thống CSDL Công nghiệp và Thương mại tỉnh Bắc Kạn là những thông tin, số liệu về công nghiệp và thương mại của tỉnh Bắc Kạn (năm 2017); hỗ trợ 7 Hợp tác xã xây dựng website TMĐT (năm 2018), hỗ trợ 6 đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng (năm 2019) và tham mưu UBND tỉnh Đề án Quản lý khoáng sản kim loại vận chuyển tại các bàn cân điện tử, cửa mỏ thông qua hệ thống camera giám sát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nhằm ứng dụng CNTT để quản lý khối lượng khoáng sản khai thác, vận chuyển của các doanh nghiệp, tăng cường công tác quản lý nhà nước và chống thất thu thuế của ngân sách nhà nước. Trong năm 2020, Sở Công Thương triển khai Đề án “Xây dựng website thông tin giao dịch điện tử ngành Công Thương Bắc Kạn” và Đề án “Ứng dụng giải pháp quản lý bán hàng thông minh cho các nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” nhằm giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh quảng bá, tiếp thị hiệu quả hơn, xây dựng hình ảnh và tiêu thụ sản phẩm trên môi trường trực tuyến tốt, hiệu quả hơn.

Với mục tiêu đẩy nhanh việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 699/QĐ-UBND ngày 28/4/2022 phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Qua đó giúp từng doanh nghiệp xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số để có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn; vừa tạo được bức tranh tổng thể về chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp số trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn phục vụ công tác quản lý và chiến lược phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số  còn giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tạo cơ sở để các cơ quan, đơn vị chức năng đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời có thêm công cụ đánh giá hiệu quả quá trình triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên phạm vi toàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trên 80% doanh nghiệp tham gia đánh giá xác định mức độ chuyển đổi số trên Cổng thông tin chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp (dbi.gov.vn);  tối thiểu 30% doanh nghiệp áp dụng ít nhất 01 nền tảng số phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh. Hình thành mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Đến năm 2030, tối thiểu 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai áp dụng (ít nhất 01) nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 364/KH-UBND ngày 16/6/2022 hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2022 nhằm  tập trung hỗ trợ tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19; hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học công nghệ đã có sản phẩm được phát minh, sáng chế. Hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên nhằm nâng cao kỹ năng xây dựng kế hoạch kinh doanh, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị doanh nghiệp… nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững.

Theo đó năm 2022, tỉnh Bắc Kạn dự kiến hỗ trợ công nghệ về giải pháp chuyển đổi số, hỗ trợ tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên cho khoảng 30 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, hỗ trợ tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh.  Hỗ trợ tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên để được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã có những chuyển biến rõ nét, góp phần không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo ra các lợi thế cạnh tranh nổi trội. Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong giai đoạn mới, tỉnh tiếp tục có nhiều định hướng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số nhanh, bền vững, phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về thủ tục tiếp cận, gia nhập thị trường; hỗ trợ trong việc tạo ra các môi trường thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới ứng dụng công nghệ số… các doanh nghiệp cũng cần chủ động chuyển mình bắt kịp với xu thế chung của thời đại./.

Nguyễn Nga