Thứ Năm, 21/11/2024
Ngày đăng: 08/11/2024 - Lượt xem: 52
Xem với cỡ chữ

Bắc Kạn bắt kịp xu thế phát triển kinh tế số

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bắt nhịp xu thế đó, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển kinh tế số, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nên giá trị phát triển bền vững cho xã hội.

Bắt kịp xu thế tiêu dùng số

Nếu như trước đây, người dân khi mua bán trao đổi hàng hóa chủ yếu bằng phương thức truyền thống là dùng tiền mặt, thì đến nay, thanh toán điện tử đã phát triển khá mạnh.  Hiện hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, viễn thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử.  Ngoài ra, các siêu thị và cơ sở phân phối hiện đại có sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Phần lớn người tiêu dùng đã hướng đến hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và các website thương mại điện tử bán hàng... 

Thời gian qua, cụ thể hóa mục tiêu phát triển nền kinh tế số, tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Postmart (nay là buudien.vn), voso; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Địa phương cũng quan tâm tổ chức lớp tập huấn chuyển đổi số và kỹ năng số cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số.

Đồng thời, triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt tại 12 chợ trên địa bàn thành phố Bắc Kạn, Chợ thị trấn Đồng Tâm (huyện Chợ Mới), chợ đầu mối và chợ Côn Minh (huyện Na Rì), chợ Phủ Thông (huyện Bạch Thông), Chợ Bản Mạ, xã Quảng Bạch và Chợ thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn). Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán và thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ. Từ đó, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại trong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn.

Tổ công nghệ số cộng đồng phường Sông Cầu hướng dẫn người dân
sử dụng các ứng dụng số trong thanh toán

Cùng với xu thế phát triển của công nghệ số, người dân trên địa bàn tỉnh đang tận dụng tối đa các kênh mạng xã hội như: Zalo, tiktok, facebook để đăng clip, bài viết, livestream… nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nhờ đó, người tiêu dùng đã biết đến và việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn.

Kinh tế số trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển rất nhanh chóng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 218 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm OCOP 5 sao, 18 sản phẩm OCOP 4 sao, 199 sản phẩm OCOP 3 sao. Các doanh nghiệp, đơn vị cũng nhanh nhạy trong tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm; sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu bán hàng, quản lý dữ liệu khách hàng để tiếp cận lại sau khi mua hàng.

Thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, từ năm 2022 đến nay, hàng trăm sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, có 02 Hợp tác xã (Hợp tác xã Tài Hoan, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành) được hỗ trợ đưa 21 sản phẩm OCOP tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín quốc tế ALIBABA. Theo số liệu ước tính từ Cục Thương mại Điện tử - Bộ Công Thương, doanh số của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh từ một số sàn thương mại điện tử lớn, mạng xã hội, website của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và từ dịch vụ trong thương mại điện tử ước đạt trên 33 tỷ đồng trong năm 2023 và trên 16 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024.

Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ chuyển đổi, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, tham gia vào các sàn thương mại điện tử cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP… Qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng doanh thu.

Nhiều giải pháp trọng tâm

Tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm từ 15% - 20% GRDP của tỉnh; tỷ lệ hộ gia đình có cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đạt trên 50%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm từ 25% - 30% GRDP của tỉnh; tỷ lệ hộ gia đình có cửa hàng số trên nền tảng thương mại điện tử trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó đặc biệt đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh...

Việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai tại 121/282 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai phương thức thanh toán học phí không dùng tiền mặt (đạt 42,9 % và tăng 37 cơ sở (12,3%) so với năm 2023). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bưu điện tỉnh và các đơn vị liên quan tuyên truyền đến người nhận chế độ an sinh xã hội, các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp mở tài khoản cá nhân, nhận qua tài khoản. Đến nay đã triển khai trên địa bàn cả 8 huyện/thành phố, chuyển tiền trợ cấp qua tài khoản cho 1.099 người với số tiền chi trả hơn 1,4 tỷ đồng.

Tỷ lệ chi lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân đạt 34,1% (3.758/11.030 người); tỷ lệ người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân đạt 100%; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt triển khai tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố Bắc Kạn đạt từ 20 - 25% tổng thanh toán.

Tính đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị kinh doanh xăng dầu thực hiện việc khai báo thuế, nộp thuế và hoàn thuế bằng phương thức điện tử. Về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đã thực hiện 110/186 (52,7%) tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong đó: 62 DN, 48 hộ kinh doanh đã đăng kýđiện tử trên hệ thống (đạt tỷ lệ 100%).

***

Bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế số mới chỉ là bước khởi đầu và vẫn còn cần giải pháp căn cơ, một chính sách toàn diện về phát triển hạ tầng số, nền tảng số và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số. Khi kinh tế số phát triển một cách bài bản, khoa học sẽ là cơ hội để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh mang đến những trải nghiệm tối ưu cho đối tác, người tiêu dùng; góp phần đưa kinh tế của tỉnh phát triển hoà chung với xu thế hội nhập của đất nước.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát và logistic chuyển đổi số; chương trình hỗ trợ các cơ sở, cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số; chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nền tảng quản trị tổng thể, nền tảng kế toán dịch vụ, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nền tảng thương mại số nông nghiệp… Qua đó, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ, gắn liền với phát triển thương mại điện tử; sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cộng đồng, hỗ trợ phát triển kinh tế số./.

Nguyễn Nga