Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 23/12/2022 - Lượt xem: 104
Xem với cỡ chữ

Bắc Kạn hướng tới mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử, hỗ trợ người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số

Muốn phát triển kinh tế số phải tạo điều kiện tối đa cho thương mại điện tử bởi đây là lĩnh vực tiên phong - dẫn dắt nền kinh tế số. Trong đó, mua - bán online hay giao thương trực tuyến là hoạt động nổi bật, khẳng định rõ nhất hiệu quả của thương mại điện tử.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử, hỗ trợ người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ số để được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng.

Theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (TMĐT) thì định nghĩa về TMĐT được hiểu như sau: “Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”. Tuy nhiên, đối với đại đa số người dùng hiện nay thì thương mại điện tử được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, đơn giản và dễ hiểu hơn: “TMĐT tức là mua bán trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử và Internet”.

Thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số tại tỉnh Bắc Kạn diễn ra thường xuyên và phát triển mạnh mẽ trong các tổ chức, cá nhân. Hoạt động TMĐT đã làm thay đổi nhanh chóng phương thức kinh doanh từ truyền thống sang hình thức TMĐT; tư duy về mua, bán, trao đổi hàng hóa và thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi theo xu thế của xã hội; rất nhiều giao dịch, hàng hóa, dịch vụ được thực hiện thông qua hình thức TMĐT.

Hoạt động thương mại điện tử không chỉ diễn ra ở khu vực thành thị, trung tâm thành phố mà đã lan tỏa ra khắp mọi nơi, len lỏi vào các ngõ ngách, thôn bản, tổ dân phố. Hoạt động giao thương của người tiêu dùng giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh đang có xu hướng tăng cao, hình thức mua sắm trực tuyến qua các kênh thương mại điện tử được diễn ra thông qua việc lựa chọn các kênh mua sắm và giao dịch bằng nhiều hình thức như: Sàn giao dịch thương mại điện tử, các ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đã có 108.941 người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại các ngân hàng với 158.561 tài khoản được mở; số lượng thẻ thanh toán được mở là 178.120 thẻ; giá trị giao dịch thanh toán qua tài khoản đạt 12.482 tỷ đồng.

 

 

Nhằm hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các doanh nghiệp (Viettel Bắc Kạn, VNPT Bắc Kạn, Bưu điện Bắc Kạn) hướng dẫn công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, đại diện các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cách tạo tài khoản và đăng ký gian hàng trực tuyến để giao dịch, mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử Posmart.vn, Voso.vn; cách tạo tài khoản ví điện tử của Viettel, VNPT, Mobiphone. Tính đến nay, toàn tỉnh có 72.473 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản và hoạt động tích cực trên sàn thương mại điện tử; 79.433 hộ được đào tạo kỹ năng số; 798 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; 12.736 giao dịch trên sàn thương mại điện tử (tỷ lệ giao dịch đạt 18%).

Theo Kế hoạch số 221/KH-UBND ngày 04/4/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn triển khai Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 12%/năm; đến năm 2030 tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 18.000 tỷ đồng. Cơ cấu ngành dịch vụ chiếm tỷ lệ trên 53% trong cơ cấu các ngành kinh tế. Thương mại điện tử phát triển nhanh, áp dụng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đầy đủ, bảo đảm an toàn, thuận tiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong giao dịch. Đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm trên 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả tỉnh, đạt tốc độ tăng bình quân 15%/năm; phấn đấu có trên 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Phấn đấu giai đoạn 2031 - 2045, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 10%/năm; đến năm 2045 tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 75.200 tỷ đồng. Cơ cấu ngành dịch vụ chiếm tỷ lệ trên 53% trong cơ cấu các ngành kinh tế. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò chủ đạo trong giao dịch thương mại. Đến năm 2045, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 15% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả tỉnh, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 12%/năm; phấn đấu đạt trên 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút hoạt động kinh doanh thương mại, với đa dạng, phong phú chủng loại mặt hàng, sản phẩm và các loại hình hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi,… Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử thành hình thức kinh doanh chủ đạo; tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, công nghệ thông tin bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người tiêu dùng tham gia giao dịch thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện của tỉnh trong từng giai đoạn, vừa đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hoá, vừa hỗ trợ xuất khẩu. Đặc biệt chú trọng đến hạ tầng thương mại thiết yếu vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Phấn đấu liên kết vào hệ thống trung tâm logistics quốc gia và các chuỗi cung ứng, các trung tâm logistics vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.

Đồng thời, tạo cơ chế, thực hiện chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại phát triển đa dạng như các tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo phương thức hiện đại; khuyến khích các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá, nhất là hàng hoá nông sản để kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ...

Nguyễn Nga