Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 16/12/2022 - Lượt xem: 128
Xem với cỡ chữ

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số

Năm 2022, theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động chuyển đổi số tập trung đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam. Tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ này thông qua việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân cũng như hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Cung cấp dịch vụ công cho người dân

Ngày 22/9/2022, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 428-NQ/BCSĐ về Thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động chuyển đổi số, phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Trong đó, một trong ba mục tiêu lớn của Nghị quyết chính là “Phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số; đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phục vụ, mang lại tiện ích, hiệu quả cao nhất cho người dân và doanh nghiệp…”

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân; phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng toàn tỉnh; tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet, điện thoại thông minh, đặc biệt ở khu vực nông thôn; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ viễn thông.

Năm 2022, 100% TTHC có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh

Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch số 439/KH-UBND ngày 12/7/2022 về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu về tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến cho từng đơn vị, địa phương thực hiện.Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã nâng cấp đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo liên thông, tích hợp các đơn vị trong tỉnh và kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để đồng bộ hồ sơ, trạng thái xử lý, tích hợp các dịch vụ thanh toán trực tuyến, bưu chính công ích và các dịch vụ khác lên Cổng dịch vụ công của tỉnh đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Hệ thống Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công đã kết nối, chia sẻ và thực hiện khai thác dữ liệu đối với 10/17 cơ sở dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối đến 04 phần mềm chuyên ngành của các Bộ, ngành: Hệ thống cấp mã số đơn vị của Bộ Tài chính; Hệ thống Đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hệ thống đăng ký Lý lịch tư pháp và Hệ thống Quản lý đăng ký hộ tịch của Bộ Tư pháp.

Tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 55%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 28%. UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức đăng ký, sử dụng tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Kết quả trong năm 2022, tỉnh đã có thêm 4.200 tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có trên 1.500 doanh nghiệp và hợp tác xã. Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ cả về số lượng, quy mô cũng như phạm vi hoạt động.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng thu hút phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh triển khai các nền tảng phục vụ chuyển đổi số. Tại Nghị quyết số 428-NQ/BCSĐ ngày 22/9/2022 về thúc đẩy hoạt động kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh cũng đặt ra nhiệm vụ quan trọng là “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; nghiên cứu thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp số, gồm doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số”.

Tỉnh Bắc Kạn cũng đã tổ chức tập huấn cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn; đại diện các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cách tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia; cách đăng ký gian hàng trực tuyến để giao dịch, mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử Posmart.vn, Voso.vn; cách tạo tài khoản ví điện tử của Viettel, VNPT, Mobiphone.

Thực hiện chương trình: “Hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử”, trong năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ cho 5 doanh nghiệp, Hợp tác xã (Hợp tác xã Ngân Sơn, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, Hợp tác xã Hoàng Huynh, Hợp tác xã Nhung Lũy, Hợp tác xã Hoàng Hương) có tiềm năng, phù hợp với mục tiêu phát triển thương mại điện tử của tỉnh và đáp ứng các tiêu chí để tham gia sàn thương mại điện tử https://www.lazada.vn/, https://backanmarket.vn/  với tổng số 50 sản phẩm OCOP cùng nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương;

Sau khi được Bộ Công Thương phê duyệt Đề án “Hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử” tỉnh đã lựa chọn Hợp tác xã Tài Hoan (Chế biến tinh bột và sản xuất miến dong), Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành (Sản xuất chế biến nông sản) với tổng số 21 sản phẩm OCOP tham  gia  sàn  giao dịch thương mại điện tử quốc tế https://www.alibaba.com/. Đồng thời 2 hợp tác xã này lựa chọn 50 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn đáp ứng các tiêu chí tham gia các sàn thương mại  điện  tử  uy  tín  trong  nước là https://www.sendo.vnhttps://shopee.vn.

 

 

Nhiều Hợp tác xã của tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh

UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã ký kết hợp tác triển khai sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn có tên miền www.bkmarket.vn  với Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam. Thông qua sàn thương mại điện tử này, Bắc Kạn quảng bá và giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất hàng hoá nông nghiệp, các hộ kinh doanh quản lý thông tin sản phẩm dịch vụ; giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Tính đến nay, toàn tỉnh có 76.099 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản và hoạt động trên sàn thương mại điện tử; 80.030 hộ được đào tạo kỹ năng số; 863 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; 14.093 giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nỗ lực của các cấp, ngành, nhận thức về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị được nâng lên rõ rệt; hạ tầng số được quan tâm đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 55%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang đạt 77%; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 70%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 100%..; 100%tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng thành công chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh… Đây là những kết quả quan trọng góp phần từng bước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng xã hội số - phát triển kinh tế số của Bắc Kạn trong thời gian tới./.

Thu Hiền