Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 27/12/2022 - Lượt xem: 62
Xem với cỡ chữ

Giải pháp nào chuyển đổi số cho nông nghiệp

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

 

Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.

Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể Chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn (Kế hoạch số 56/KH-SNN ngày 13/7/2022 của Sở NN&PTNT) đề ra mục tiêu tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”. Tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị thuộc ngành và tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2025, 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh và một số sàn thương mai điện tử uy tín như Voso.vn, Portmart.vn, sendo.

Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Ứng dụng các nền tảng, công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân năng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.

Phát triển kinh tế số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Nông dân, các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ được tuyên truyền, tiếp cận tri thức, công nghệ, hiểu biết về Hệ sinh thái nông nghiệp số. Hình thành nền tảng dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu của ngành được số hóa, lưu trữ, kết nối, chia sẻ trên hệ thống dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở của tỉnh.

Hiện nay, việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn do đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) còn thiếu, quy mô đất đai nhỏ lẻ, manh mún. Người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa, thiếu liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Với đặc thù tỉnh miền núi, vùng cao, nhận thức và trình độ của nông dân còn hạn chế nên khó áp dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đây là những rào cản khiến thương mại điện tử chưa phát triển tương xứng.

Thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp số là hướng đi của tương lai.  Nông nghiệp hiện đại là hướng đi phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, giúp nông dân ngày càng giàu có, người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP; đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng đối tượng khách hàng tham gia các hoạt động giao thương. Đồng thời, phát triển các kênh thương mại điện tử tạo điều kiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, thực hiện triển khai các nền tảng số nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng có khả năng kết nối, liên thông, có tính tổng thể, liên kết vùng và mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân. Tuyên truyền, phổ biến nền tảng thanh toán số hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nông hộ và người nông dân tham gia các hoạt động kinh tế số nông nghiệp; đẩy mạnh không dùng tiền mặt trong mua bán, trao đổi và kinh doanh nông sản. Khuyến khích phát triển các nền tảng hỗ trợ kinh tế số nông nghiệp có tính định hướng và tác động đến số đông người dân như bưu chính, chuyển phát, logistic…; có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử; phát triển các nền tảng tối ưu hoá chuỗi liên kết giá trị.. Qua đó thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh…

Nguyễn Nga