Thứ Bảy, 23/11/2024
Ngày đăng: 22/02/2023 - Lượt xem: 77
Xem với cỡ chữ

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 1.195 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh và chuyển đổi số là cơ sở, nền tảng để doanh nghiệp phát triển, góp phần nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh và tiết kiệm chi phí vận hành của doanh nghiệp, thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi tư duy, xây dựng chiến lược về chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong lộ trình triển khai chuyển đổi số, khó khăn, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là thay đổi thói quen, nhận thức, tiếp đến là nguồn lực tài chính, nhân lực, công nghệ… Do đó, Bắc Kạn xác định phải tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược, lộ trình cụ thể, tiếp cận các giải pháp công nghệ phục vụ quá trình hoạt động của doanh nghiệp, từ quản trị, quản lý nhân sự, tài chính cho đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hay xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Với mục tiêu đẩy nhanh việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 699/QĐ-UBND ngày 28/4/2022 phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trên 80% doanh nghiệp tham gia đánh giá xác định mức độ chuyển đổi số trên Cổng thông tin chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp (dbi.gov.vn); tối thiểu 30% doanh nghiệp áp dụng ít nhất 01 nền tảng số phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh. Hình thành mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Đến năm 2030, tối thiểu 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai áp dụng (ít nhất 01) nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành Kế hoạch số 364/KH-UBND ngày 16/6/2022 hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2022 với tổng kinh phí 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ.  Qua đó, hỗ trợ công nghệ về giải pháp chuyển đổi số, hỗ trợ tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên cho khoảng 30 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, hỗ trợ tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Hỗ trợ tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên để được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp đã chủ động tư vấn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tạo tài khoản đăng ký kinh doanh, thực hiện các thủ tục đăng ký thành lập mới, đăng ký thay đổi bổ sung trên cổng thông tin: http://dangkyquamang.dkkd.gov.vnhttp://dichvucong.backan.gov.vn. Chỉ tính riêng năm 2022, Trung tâm đã hỗ trợ đăng ký thành lập cho hơn 40 doanh nghiệp thành lập mới và 14 doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; 07 hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trên cổng dịch vụ công. Qua đó, giúp cho người dân, doanh nghiệp giảm thời gian đi lại, thời gian chờ đợi.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai các giải pháp công nghệ, đào tạo kiến thức, kỹ năng số… tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi số. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện báo chí, truyền thông, internet, mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở nhằm cung cấp các thông tin chủ trương, chỉ đạo của tỉnh trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các giải pháp công nghệ, ứng dụng thanh toán trực tuyến như VNPT-Pay, Viettel Pay, Mobile money…; hướng dẫn nhà sản xuất, các hợp tác xã, … tham gia và đăng thông tin, giới thiệu sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) như: Sàn Postmart.vn, sàn Voso.vn…

Cùng với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành của tỉnh đã và đang tích cực có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm kê khai và nộp thuế điện tử, thực hiện khai báo hải quan điện tử, kho bạc điện tử, bảo hiểm điện tử, đăng ký kinh doanh qua mạng… đảm bảo kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin Quốc gia. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp, người dân; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn sâu về quản lý TMĐT cho các cơ quan, đơn vị; tích cực vận động doanh nghiệp sử dụng tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa.

Thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn diễn ra thường xuyên và phát triển mạnh mẽ trong các tổ chức, cá nhân. Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đã làm thay đổi nhanh chóng phương thức kinh doanh từ truyền thống sang hiện đại. Tư duy về mua, bán, trao đổi hàng hóa và thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi theo xu thế của xã hội. Hoạt động thương mại điện tử không chỉ diễn ra ở khu vực thành thị, trung tâm thành phố mà đã lan tỏa ra khắp mọi nơi, len lỏi vào các ngõ ngách, thôn bản, tổ dân phố. Hoạt động giao thương của người tiêu dùng giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh đang có xu hướng tăng cao, hình thức mua sắm trực tuyến qua các kênh thương mại điện tử được diễn ra thông qua việc lựa chọn các kênh mua sắm và giao dịch bằng nhiều hình thức như: Sàn Giao dịch thương mại điện tử, các ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo. Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đến nay 100% đơn vị  doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Số doanh nghiệp, Hợp tác xã đăng ký các gian hàng, sản phẩm trên các sàn TMĐT trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng lên.

Có thể thấy, chuyển đổi số đã có những bước chuyển biến tích cực giúp thay đổi nhận thức, kỹ năng, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với sự quan tâm đầu tư hạ tầng bài bản cùng chính sách, cơ chế đồng bộ sẽ là nền tảng thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số còn giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tạo cơ sở để các cơ quan, đơn vị chức năng đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương./.

Nguyễn Nga