Xây dựng và phát triển các nền tảng số đang trở nên phổ biến tại các nước trên thế giới và ở Việt Nam. Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là “Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả”.
Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm mục tiêu hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Nền tảng số là nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số ở các địa phương, hạ tầng số phải được xem là yếu tố nền tảng cần được quan tâm, ưu tiên đầu tư sớm đảm bảo sự đồng bộ, hiện đại.
Việc xây dựng và phát triển hạ tầng, nền tảng số được xác định đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số (CĐS). Vì vậy, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn đã ưu tiên, nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng, nền tảng số phục vụ công tác chuyển đổi số của địa phương.
Các nền tảng, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến 100% cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể ở cả 3 cấp và triển khai đến nhiều cơ quan, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn như Bảo hiểm xã hội, Cục thuế, Cục thống kê, Công an tỉnh... Hệ thống đảm bảo liên thông gửi - nhận văn bản 4 cấp qua trục liên thông văn bản quốc gia. Đến nay, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 90,6%.
Hệ thống "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được triển khai sử dụng tại 132 đơn vị. Từ năm 2021, tỉnh đã tích hợp hệ thống nền tảng thanh toán trực tuyến (Paygov) của Bộ Thông tin và Truyền thông với Cổng dịch vụ công của tỉnh. Cổng dịch vụ công của tỉnh hàng năm tiếp nhận và xử lý gần 150 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính.
Hệ thống thư điện tử công vụ được triển khai chung cả tỉnh, cho đến nay, hệ thống đã cấp gần 7.000 tài khoản. Tỷ lệ sử dụng hòm thư trung bình trong tháng đạt trên 85%, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đã có thói quen chỉ sử dụng thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc chuyên môn.
Tỉnh đang triển khai xây dựng các nền tảng, hệ thống phục vụ ứng dụng trong công tác quản lý, điều hành, báo cáo, thống kê, đo lường, giám sát, họp trực tuyến, làm việc từ xa như: Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Bắc Kạn; Trung tâm giám sát và điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ các cuộc họp trực tuyến của các cơ quan nhà nước trong tỉnh…
Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh tiếp tục duy trì sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ từ năm 2019. Hiện tại, Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh được kết nối đến 12 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia được triển khai trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) phục vụ cho giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng và đang khai thác sử dụng 12 CSDL; đang triển khai xây dựng 8 CSDL của các ngành, lĩnh vực.
Các CSDL đã xây dựng xong bước đầu và đang khai thác sử dụng bao gồm: Số hóa tài liệu (CSDL tài liệu); CSDL về cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng; CSDL đất đai; CSDL môi trường; Kho CSDL tài nguyên môi trường; CSDL ngành giáo dục; CSDL quản lý giấy phép lái xe; CSDL về giá; CSDL hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử người dân; CSDL công chứng; CSDL quy hoạch xây dựng; CSDL du lịch.
Các CSDL đang xây dựng gồm: CSDL kinh tế - xã hội của tỉnh; CSDL về công tác dân tộc; CSDL tiền lương; CSDL bệnh án điện tử; CSDL ngành công thương; CSDL hồ sơ giải quyết TTHC; CSDL giáo dục nghề nghiệp - đào tạo nghề; CSDL thông tin địa chất và khoáng sản tỉnh Bắc Kạn.
Tuy đạt những kết quả tích cực, nhiệm vụ xây dựng hạ tầng, nền tảng số trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế trong tổng thể các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật thông tin và truyền thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa tạo ra được đột phá về hạ tầng phục vụ chuyển đổi số. Dữ liệu hiện có của tỉnh là các dữ liệu chuyên ngành, còn rải rác ở các ngành, rời rạc, chưa được tích hợp, quản lý thống nhất để hỗ trợ việc ra quyết định. Dữ liệu các ngành hiện có cũng chưa đầy đủ; các hệ thống dữ liệu không kết nối với nhau, chưa có tính đối soát để kiểm chứng dữ liệu.
Chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch, mục tiêu tỉnh đề ra trong lộ trình chuyển đổi số, các cấp ngành, địa phương bám sát kế hoạch của tỉnh, các chỉ đạo hướng dẫn về chuyển đổi số của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, nền tảng số. Năm 2023, tỉnh dự kiến xây dựng Kho quản lý dữ liệu, cổng dữ liệu mở để kết nối, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh, góp phần vào xây dựng nền tảng số của địa phương./.