Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 20/03/2023 - Lượt xem: 76
Xem với cỡ chữ

Ưu tiên nguồn lực thực hiện chuyển đổi số

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã dành sự ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, nhất là đối với các ngành mũi nhọn có tính nền tảng, tạo sự lan tỏa. Tỉnh đã triển khai đồng loạt nhiều hoạt động ở cả ba trụ cột gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, Đề án tổng thể Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Danh mục các nhiệm vụ, dự án ưu tiên về chuyển đổi số năm 2022 để chỉ đạo, định hướng các đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số theo định hướng của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh đã cân đối kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số phù hợp với khả năng ngân sách tỉnh.

Trong năm 2021, UBND tỉnh đã cấp bổ sung hơn 17 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh điều hành năm 2021 cho đơn vị chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn. Sở Thông tin và Truyền thông được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo thứ tự sắp xếp ưu tiên, đảm bảo phát huy hiệu quả tối đa của nguồn vốn. Trên cơ sở danh mục, nhiệm vụ chuyển đổi số và kinh phí đã được cấp, năm 2022,  Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai 19 nhiệm vụ chuyển đổi số sử dụng nguồn ngân sách tỉnh và 02 nhiệm vụ chuyển đổi số sử dụng nguồn ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật.

Các hoạt động tập trung  xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu các ngành; xây dựng “Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác Dân tộc”; xây dựng hệ thống quản lý ngân sách cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp 3 cấp tỉnh Bắc Kạn; xây dựng hệ thống thông tin tiền lương các cơ quan, đơn vị dự toán ngân sách trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Với việc chỉ đạo, đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong thời qua đã giúp chỉ số xếp hạng DTI của tỉnh Bắc Kạn tăng đáng kể.  Theo số liệu công bố, năm 2021, tỉnh Bắc Kạn đứng thứ 51 trên toàn quốc về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số; đứng thứ  55 toàn quốc về chính quyền số; đứng thứ 39 toàn quốc về kinh tế số; đứng thứ 42 toàn quốc về xã hội số.

Đến nay, tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 55%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 30%. Mạng lưới viễn thông kết nối thông suốt 3 cấp phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp; 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đã đạt 100%; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 70%; tỷ lệ thôn/bản được phủ sóng internet cáp quang băng rộng đạt 96%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 100%...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, so với các tỉnh/thành phố khác trong cả nước, điểm xếp hạng các chỉ số thành phần về thể chế số, an toàn thông tin mạng và nhóm chỉ số hoạt động của chính quyền số, xã hội số còn thấp. Nguyên nhân là do tỉnh chưa có Kho dữ liệu dùng chung, chưa xây dựng Cổng dữ liệu mở của tỉnh; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định; chưa có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; chưa triển khai nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; kinh phí dành cho hoạt động chuyển đổi số hàng năm còn thấp; công tác đảm bảo an toàn thông tin cho chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu...

Thực hiện mục tiêu “Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh tăng từ 2 bậc trở lên” của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra và mục tiêu Phấn đấu đến năm 2025, Bắc Kạn nằm trong nhóm trung bình kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi các tỉnh, thành phố của cả nước” trong Đề án tổng thể chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 thì việc tiếp tục quan tâm, triển khai các dự án, nhiệm vụ ưu tiên về chuyển đổi số trong năm 2023 và những năm tiếp theo là cần thiết để nâng cao hơn nữa thứ hạng chỉ số chuyển đổi số của Bắc Kạn trong thời gian tới./.

Nguyễn Nga