Thứ Bảy, 23/11/2024
Ngày đăng: 20/03/2023 - Lượt xem: 99
Xem với cỡ chữ

Doanh nghiệp Bắc Kạn trong xu thế chuyển đổi số

Cùng với Chính quyền số - Xã hội số, Kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột của Đề án tổng thể Chuyển đổi số mà thời gian qua, Bắc Kạn và các địa phương trong cả nước đã và đang tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã

Từ năm 2020, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng thu hút phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Cùng với Đề án tổng thể Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch về phát triển thương mại điện tử; phát triển doanh nghiệp công nghệ số; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn Thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh..., qua đó tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp tập trung phát triển.

Thời gian qua, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp và nhân dân đã bước đầu chuyển biến tích cực. Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông và truyền thông, y tế, giáo dục, các hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối, kinh doanh, một số chợ trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hợp tác xã Thiên An (huyện Bạch Thông) tích cực ứng dụng công nghệ số
trong quảng bá sản phẩm thổ cẩm dân tộc

Đến nay, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đã đạt 100%; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 70%; tỷ lệ thôn/bản được phủ sóng internet cáp quang băng rộng đạt 96%...

Trong năm 2022, Thực hiện chương trình: “Hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử” tinh đã hỗ trợ cho 5 doanh nghiệp, Hợp tác xã có tiềm năng, phù hợp với mục tiêu phát triển thương mại điện tử của tỉnh và đáp ứng các tiêu chí tham gia sàn thương mại điện tử https://www.lazada.vn/  https://backanmarket.vn/ với tổng số 50 sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của địa phương;

Cùng với đó, Đề án “Hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử” từ nguồn kinh phí của Bộ Công Thương đã giúp cho Hợp tác xã Tài Hoan (Chế biến tinh bột và sản xuất miến dong), Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành (Sản xuất chế biến nông sản) với tổng số 21 sản phẩm OCOP tham  gia  sàn  giao dịch thương mại điện tử quốc tế https://www.alibaba.com/. Đồng thời, thông qua Đề án, 2 hợp tác xã đã lựa chọn được 50 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn đáp ứng các tiêu chí để tham gia 2 sàn thương mại  điện  tử  uy  tín  trong  nước đó là https://www.sendo.vnhttps://shopee.vn.

Nhờ việc tích cực tham gia hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, sử dụng các ứng dụng, nền tảng số như sổ sức khoẻ điện tử, ứng dụng liên lạc zalo, Cổng dịch vụ công của tỉnh, đăng ký và sử dụng tài khoản trên các thiết bị thông minh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công dân số, thanh toán bằng mã QR tại chợ triển khai mô hình Chợ điện tử 4.0... đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đặc biệt giúp cập nhật nhiều thông tin đa chiều từ khách hàng, giảm chi phí, rút ngắn thời gian, khoảng cách cho việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong kinh doanh

Nếu như các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội tiếp cận với các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số thì đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, việc thay đổi mô hình, xu hướng kinh doanh trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay phụ thuộc nhiều vào tư duy cũng như tốc độ nắm bắt thời cơ của người làm chủ.

Chị Nguyễn Thanh Huyền từng là một viên chức trong đơn vị sự nghiệp Nhà nước. Nhưng khi chị quyết định từ bỏ công việc ổn định để về tiếp quản hoạt động kinh doanh của gia đình, chị đã đặt cho mình mục tiêu tiếp tục phát triển và mở rộng hơn nữa quy mô kinh doanh, đặc biệt là hướng dần sang kinh doanh online.

Cửa hàng của gia đình chị Huyền chuyên kinh doanh quần áo, giày dép trẻ em. Mô hình cửa hàng truyền thống tại Chợ Đức Xuân do đã hoạt động lâu năm nên mỗi ngày đón tiếp lượng khách mua khá đều đặn. Cửa hàng cũng đã sớm thực hiện thanh toán hóa đơn qua máy Pos hay quét mã QR, tạo thuận lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, bản thân chị Huyền cũng là người thường xuyên mua sắm hàng hóa qua các kênh bán hàng online, chị đã quyết định cùng với gia đình tập trung mở rộng kênh bán hàng trên mạng xã hội facebook.

Chị Nguyễn Thanh Huyền chuẩn bị cho một buổi livestream bán hàng

Chị Huyền đã xây dựng một Fanpage riêng cho cửa hàng, giao việc cụ thể cho nhân viên để thường xuyên cập nhật mẫu mã sản phẩm cũng như tiếp nhận và xử lý kịp thời đơn hàng online của khách hàng. Nhờ đó, cửa hàng của chị đã tiếp cận thêm được một lượng lớn khách hàng ở các huyện trong tỉnh, thậm chí là cả khách hàng ở các tỉnh khác.

Không chỉ vậy, chị Huyền cũng thường xuyên thực hiện các buổi phát trực tiếp (livestream) trên Fanpage của cửa hàng để bán hàng online với nhiều chương trình giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng..., qua đó thu hút rất nhiều khách hàng tương tác, chia sẻ thông tin và mua sắm trực tuyến. Hoạt động này không chỉ giúp bán được nhiều sản phẩm cho cửa hàng, mà quan trọng hơn, giúp cửa hàng tiếp cận được thêm rất nhiều đối tượng khách hàng ở xa, qua đó mở rộng thị trường, nâng cao doanh thu.

Chị Huyền chia sẻ: Những năm trước đây, cửa hàng của gia đình tôi vẫn buôn bán tốt, lượng khách mua ổn định. Tuy nhiên, khi mà cả xã hội chuyển đổi số, nhà nhà người người đều mua bán online, là một người trẻ bản thân tôi nhận thấy mình cần mạnh dạn thay đổi phương thức kinh doanh của gia đình. Việc mới, cách làm mới không hề dễ dàng, nhưng nếu có tư duy, có quyết tâm, chúng ta sẽ làm được, và sẽ từng bước làm tốt hơn.

Suy nghĩ của chị Huyền cũng chính là suy nghĩ cần nhân rộng trong các hộ kinh doanh, tiểu thương, và cả các doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian tới. Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một xu thế tất yếu, không thể trì hoãn hay đứng ngoài. Điều quan trọng chính là thay đổi cách tư duy, cách làm, để từng bước xây dựng nền kinh tế số, phát triển xã hội số trong thời gian tới./.

 

Thu Hiền