Thứ Bảy, 23/11/2024
Ngày đăng: 17/05/2023 - Lượt xem: 106
Xem với cỡ chữ

Chuyển đổi số trong quản lý và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) phát triển. Việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX.

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn chú trọng hỗ trợ phát triển HTX tăng cường ứng dụng công nghệ số vào hỗ trợ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm và phát triển nền kinh tế số.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 Liên hiệp HTX với 18 thành viên là các HTX, trong đó: 01 Liên hiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 01 Liên hiệp hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Có 368 HTX, tổng số thành viên HTX là 3.713 thành viên. Đến nay, toàn tỉnh có 674 tổ hợp tác, số thành viên là 7.670 thành viên. Đa số các tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, thu hút được nhiều lao động địa phương.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 5% tổng số HTX có website; có 17% tổng số HTX sử dụng hòm thư điện tử để giao dịch; 5% tổng số HTX có sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành HTX; 70% áp dụng thuế điện tử; 2% tổng số HTX tham gia quảng bá, giới thiệu, bán hàng trên các trang thương mại điện tử như Amazon, Lazada, Shopee, Alibaba…

Công tác quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường số tại các HTX tập trung trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo,...) dưới dạng các fanpage, nhóm mua bán, trao đổi hàng hóa hoặc các trang cá nhân của các thành viên. Số ít HTX tiên phong đầu tư xây dựng website bán hàng, cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông sản đặc trưng của HTX như: HTX thanh niên Như cố (https://htxthanhniennhuco.com); Hợp tác xã Nhung Lũy  (https://htxnhungluy.com/); HTX Thiên An (https://hoptacxathienan.com/); Công ty CP Curcumin Bắc Hà (https://bachacumin.vn/)... Trong số các HTX trên địa bàn tỉnh, HTX Thiên An là đơn vị có mức độ thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đạt mức cao nhất. Đây là đơn vị được UBND tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ chuyển đổi số và phát triển kinh tế số từ chương trình thí điểm chuyển đổi số quốc gia tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông theo quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của thủ tướng chính phủ.

Ngoài ra, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trên địa bàn tỉnh có cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình đến với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước, UBND tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn (https://backanmarket.vn/).

Đồng chí Bàn Văn Phóng - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết: Với đặc thù thành viên HTX là các hộ nông dân, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, công nghệ số còn nhiều hạn chế, thành viên HTX vẫn chủ yếu làm việc theo phương thức truyền thống, việc tiếp nhận công nghệ mới, nền tảng kỹ thuật số khiến họ phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu. Hơn nữa, trình độ nhân sự quản lý HTX còn hạn chế, chưa có nhân sự chuyên sâu về xúc tiến các hoạt động thương mại điện tử, nguồn lực về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc chưa đảm bảo. Do đó, việc tiếp cận và khai thác các tính năng của sàn thương mại điện tử của tỉnh chưa đạt hiệu quả cao, chưa phát huy hết tiềm năng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển kinh tế số, tiếp cận, mở rộng thị trường sản phẩm thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.

Trong lộ trình chuyển đổi số, hợp tác xã hay bất kỳ một tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh nào cũng đã và đang phải đối mặt với những thách thức từ quá trình hội nhập. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị. Đặc biệt là nó sẽ giúp cho các HTX tìm kiếm được một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa giảm chi phí, vừa tiết kiệm các nguồn lực.

Do đó, trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh phát triển các hoạt động ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất của HTX thì việc nâng cao năng lực của các thành viên HTX trong việc tăng cường ứng dụng CNTT, công nghệ số vào sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường khách hàng là rất cần thiết.

Hệ thống thông tin hợp tác xã trực tuyến cung cấp thông tin chi tiết về các sản phẩm của HTX

Hiện nay, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Địa Tin học thuộc Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực hiện Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin hợp tác xã trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”. Dự án nhằm mục tiêu: Có được tối đa cơ sở dữ liệu, hồ sơ về hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sở thích; có được hệ thống chức năng phần mềm phục vụ công tác cập nhật dữ liệu, tra cứu, thống kê và báo cáo nhanh; có được cổng thông tin chuyên cung cấp tin tức, dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành, đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin của chính quyền, địa phương, tổ chức, hợp tác xã và người dân chính xác, kịp thời. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp cho việc quản lý và cung cấp thông tin minh bạch và khoa học, giúp cho công tác tham mưu, xây dựng và thực hiện các đề án phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, đóng góp thiết thực vào lộ trình chuyển đổi số của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của việc chuyển đổi số. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ quản lý hợp tác xã  và toàn thể các HTX trên địa bàn tỉnh đồng thời, tổ chức các hoạt động tham quan, học tập mô hình hợp tác xã chuyển đổi số hiệu quả.

Bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền, các hợp tác xã cần xác định ứng dụng công nghệ số là xu hướng phát triển tất yếu trong lộ trình phát triển. Từ đó tập trung nguồn lực đầu tư nguồn nhân lực, hạ tầng thiết bị nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu từ sản xuất tới tiêu thụ nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế chung trên toàn cầu./.

Nguyễn Nga