Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 29/05/2023 - Lượt xem: 63
Xem với cỡ chữ

Chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Trong giai đoạn mới, chuyển đổi số sẽ luôn được coi là giải pháp then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là vùng DTTS và miền núi, tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi nói chung, trong đó có Bắc Kạn.

Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ký ban hành tại Quyết định số 330/QĐ-UBDT ngày 12/5/2023.

Mục tiêu chung của Đề án là hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức quản lý, tổ chức Chương trình từ trung ương đến địa phương. Triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số nhằm đổi mới và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình. Đổi mới phương pháp, chuyển đổi số trong truyền thông, tuyên truyền cho Chương trình. Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình các cấp.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025, đạt 100% các cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp trung ương đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá. 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống. 100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp trung ương đến cấp xã được thông tin tự động về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai; thiết lập và công bố các bộ dữ liệu mở về kết quả triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình để công khai cho các tổ chức, người dân. Phấn đấu 100% các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số (máy tính, điện thoại thông minh...). 100% cán bộ quản lý các cấp quản lý, thực hiện Chương trình được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin thường xuyên về kỹ năng số và ứng dụng CNTT trong xử lý tác nghiệp trên môi trường số.

Đồng thời, phấn đấu các cơ quan công tác quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình từ trung ương đến địa phương được đảm bảo hạ tầng, trang bị vận hành phòng họp trực tuyến. Có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số. 100% các hệ thống thông tin thuộc Đề án được triển khai đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin mạng. Phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Đề án. Phấn đấu từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Đề án.

Để đạt mục tiêu trên, Ủy ban Dân tộc đề nghị các bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ sau: Xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo phục vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; xây dựng Cổng thông tin thành phần Chương trình; xây dựng hệ thống họp trực tuyến; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuyên gia​​; tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, tập huấn​​​​​.

Bên cạnh đó, Đề án đưa ra các giải pháp trọng tâm, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực về chuyển đổi số cho cán bộ triển khai Chương trình và người dân; kiến tạo thể chế, xây dựng Kiến trúc tổng thể hệ thống, xác định chuẩn hóa quy trình quản lý. Tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các cơ quan quản lý, thực hiện và cán bộ triển khai Chương trình các cấp thông qua các hội nghị, hội thảo, biên soạn và phổ biến tài liệu tập huấn. Nghiên cứu triển khai thí điểm chuyển đổi số một số hoạt động của Chương trình có khả năng phát huy hiệu quả, tính lan tỏa cao được các tổ chức, cá nhân quan tâm. Xây dựng các hạng mục hạ tầng CNTT và quản trị, vận hành, đào tạo, bảo trì; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đồng thời huy động nguồn lực triển khai Đề án.

Tại tỉnh miền núi Bắc Kạn, thời gian qua, nhờ các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS và nông thôn miền núi. Việc ứng dụng KHCN đã nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hóa chủ lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 Bắc Kạn là điển hình trong cả nước về triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) khi trao cho bà con các DTTS cơ hội đổi mới tư duy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm chủ công nghệ, kỹ thuật, không chỉ phát triển sản phẩm mà còn ngày càng nâng cao chất lượng và đổi mới hình thức sản phẩm phù hợp thị trường. Ðiều đáng ghi nhận là, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ giảm nghèo của Bắc Kạn đạt gần 2,5%/năm, các huyện nghèo có tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,19%/năm.

Trong giai đoạn mới, chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương./.

 

Nguyễn Nga