Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 31/10/2019 - Lượt xem: 53
Xem với cỡ chữ

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Chính sách thúc đẩy thanh toán không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này đã và đang mang lại những tiện ích cho người dân và các cơ sở dịch vụ công, tuy nhiên, để triển khai rộng cần phải có thời gian, lộ trình thực hiện để đảm bảo mục tiêu đề ra.

Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh (tại Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 19/6/2018). Theo đó, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2020 đạt được các mục tiêu chủ yếu như: 80% giao dịch nộp thuế thực hiện qua ngân hàng; 100% các đơn vị Kho bạc Nhà nước trong tỉnh có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước. Tại địa bàn thành phố, trung tâm các huyện phấn đấu 70% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng. Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước: Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bắc Kạn và 100% các đơn vị trực thuộc Công ty chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng; tại địa bàn thành phố, trung tâm các huyện phấn đấu 50% số tiền nước thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí: Các trường cao đẳng, trung cấp, các trung tâm, trường học trên địa bàn chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng; 80% số sinh viên, học sinh tại các trường cao đẳng, trung cấp, các trung tâm, trường phổ thông, mầm non trên địa bàn thành phố và trung tâm các huyện nộp học phí qua ngân hàng. Đối với dịch vụ thanh toán viện phí: Bệnh viện tỉnh và 100% bệnh viện tuyến huyện, thành phố chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng; phấn đấu 50% số tiền viện phí thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Đối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội: Tại địa bàn thành phố, trung tâm các huyện phấn đấu 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam chi nhánh tỉnh đã chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trên địa bàn để triển khai có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công theo Quyết định 241/QĐ-TTg của Chính phủ với ưu tiên trong thời gian tới cho lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn hoàn thiện hạ tầng thanh toán điện tử để phục vụ cho việc thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ kết nối với các đơn vị cung ứng dịch vụ công, đa dạng các dịch vụ, phương thức thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội. Mở rộng thêm mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước, bệnh viện, trường học để phục vụ thanh toán qua ngân hàng; phát triển thêm các sản phẩm thẻ ngân hàng đa năng, đa dụng cho phép thực hiện giao dịch thu, nộp thuế, thu phí cầu đường, nhận tiền bảo hiểm xã hội, nộp học phí, viện phí với nhiều hình thức thanh toán khác nhau.

Để đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, các ngân hàng trên địa bàn đã và đang đưa ra nhiều dịch vụ cho khách hàng lựa chọn. Qua đó, đảm bảo chính xác, an toàn, rút ngắn về thời gian, đa dạng các loại hình, phương thức thanh toán. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng trả lương qua tài khoản, phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các tổ chức liên quan thực hiện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua POS, thực hiện các dịch vụ thanh toán hoá đơn, gạch cước viễn thông, thanh toán viện phí, dịch vụ thanh toán e-banking, smartbanking, ipay, ví điện tử… ứng dụng công nghệ cao để tạo điều kiện cho khách hàng thực hiện các dịch vụ thanh toán được nhanh chóng, an toàn, chính xác, thực hiện công khai minh bạch biểu phí dịch vụ thẻ, chủ động giải thích và phản hồi kịp thời các ý kiến phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng dịch vụ ATM. Tổng thu tiền mặt ước thực hiện năm 2019 là 180.000 tỷ đồng, chi tiền mặt là 19.800 tỷ đồng (thu tiền mặt đáp ứng 91% nhu cầu chi). Các hệ thống thanh toán của ngân hàng đều có tính an toàn, ổn định cao, chưa gặp rủi ro, sai sót do hệ thống. Thời gian thanh toán/chuyển tiền ngày càng nhanh chóng, tiện lợi. Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán thẻ của các ngân hàng phục vụ 24/24, công tác tiếp quỹ và giải quyết khiếu nại của khách hàng được chú trọng. Các ngân hàng cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ATM và các thiết bị đảm bảo an toàn, hạn chế lỗi kỹ thuật cho khách hàng khi giao dịch.

Đồng hành với hệ thống ngân hàng, các cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước tập trung xây dựng và chuẩn hoá thông tin thu nộp ngân sách nhà nước kết hợp với việc nâng cấp và triển khai đồng bộ hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu về thu, nộp ngân sách giữa các cơ quan: Cục Thuế tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh để áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu (mã giao dịch – ID). Các đơn vị trong ngành giáo dục, y tế tích cực hợp tác với ngân hàng triển khai xây dựng lộ trình chuẩn hoá dữ liệu thông tin học sinh, sinh viên, người bệnh để kết nối chia sẻ với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhằm phục vụ thanh toán tiền học phí, viện phí qua ngân hàng. Bảo hiểm xã hội nghiên cứu, xây dựng lộ trình chuẩn hoá thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh để kết nối chia sẻ với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhằm phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng.

Thông qua hệ thống zalo của ngành Điện lực, khách hàng được cung cấp thông tin,
hướng dẫn quy trình thủ tục, thao tác thực hiện và các biện pháp đảm bảo an toàn
khi thực hiện giao dịch thanh toán điện tử

Thực hiện lộ trình UBND tỉnh giao, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Công ty Điện lực Bắc Kạn, Công ty cổ phần cấp thoát nước Bắc Kạn mở rộng triển khai mô hình thanh toán tiền điện, nước qua ngân hàng; nghiên cứu chuẩn hoá thông tin dữ liệu khách hàng để kết nối chia sẻ với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Kể từ tháng 3/2019, Công ty Điện lực Bắc Kạn đã triển khai cung cấp dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4, triển khai cung cấp dịch vụ điện theo phương thức điện tử từ tháng 11/2019; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm chăm sóc khách hàng để giải quyết các yêu cầu trực tuyến của khách hàng qua Web chăm sóc khách hàng hoặc qua tổng đài để giảm chi phí, thời gian đi lại cho khách hàng. Bên cạnh đó, phổ biến, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời cho khách hàng biết về quy trình thủ tục, thao tác thực hiện và các biện pháp đảm bảo an toàn khi thực hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công nói riêng.

Để người dân trên địa bàn được tiếp cận với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, công tác thông tin, tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ nộp thuế trả tiền điện, nước, học phí, viện phí và chi trả an sinh xã hội; các hình thức thanh toán, quy trình, thủ tục thanh toán đối với từng hình thức, những lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện nộp thuế, trả tiền điện, nước, học phí, viện phí và chi trả an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức.

 Đây có thể nói là những giải pháp rất thiết thực của Bắc Kạn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021./.

 

Nguyễn Nga