Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 12/11/2019 - Lượt xem: 47
Xem với cỡ chữ

Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo môi trường kinh doanh tích cực trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng

Hòa mình với xu thế hội nhập của thời đại cách mạng 4.0, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã không ngừng nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tiết giảm những thủ tục hành chính dư thừa, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại đưa ra các sản phẩm tiện ích đa dạng, tạo môi trường kinh doanh tích cực trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn.

Căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đã kịp chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Mục tiêu quan trọng của cải cách hành chính trong ngành ngân hàng là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng, góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và đóng góp quan trọng cho môi trường kinh doanh quốc gia. Đây là yếu tố cốt lõi thực hiện mục tiêu kép vừa thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, phục vụ người dân, giảm thiểu chi phí thời gian và nhân lực trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; đồng thời giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh bền vững.

Trước yêu cầu của thời kỳ cách mạng 4.0, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển dịch vụ. Trong những năm qua, các ngân hàng thương mại đã nỗ lực đa dạng hóa các phương tiện và dịch vụ thanh toán, đặc biệt là các phương tiện và dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại, áp dụng công nghệ cao; nhờ đó, các dịch vụ thanh toán, hỗ trợ hoạt động thanh toán hiện đại không ngừng phát triển như: Thẻ Ngân hàng, Internet Banking, SMS Banking, Home Banking, Mobile Banking... triển khai thực hiện trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, phát hành thẻ, gia tăng các tiện ích từ thẻ.

Các ngân hàng thương mại đã đầu tư mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm online, đưa ra nhiều gói sản phẩm, dịch vụ mới hiện đại và tiện dụng cung cấp cho nhiều đối tượng phân khúc khách hàng. Hầu hết các dịch vụ được tự động hóa, sử dụng công nghệ có tính an toàn, bảo mật cao để cung ứng đến khách hàng. Hầu hết các ngân hàng đã cải tiến theo hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, quy trình dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác… để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và thời gian chờ đợi của khách hàng đến giao dịch.

Đến nay, các ngân hàng trên địa bàn đã niêm yết công khai và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ tới các khách hàng trên trang tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng. Các ngân hàng đã xây dựng được quy trình thực hiện, phối hợp trong nội bộ ngân hàng để có thể xử lý kịp thời, thỏa đáng các phản ánh, khiếu nại của khách hàng về chất lượng và giá cả dịch vụ.

Quang cảnh giao dịch tại Ngân hàng Agribank Bắc Kạn

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống các ngân hàng thương mại đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ; chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý; đồng thời cung cấp các chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với nguồn vốn ưu đãi, trong đó có các chương trình áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp...

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thời gian qua, hệ thống các chi nhánh, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, ngày càng phát triển theo hướng bền vững. Các chi nhánh Ngân hàng không ngừng mở rộng mạng lưới đến vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh. Công tác huy động vốn được đẩy mạnh; triển khai kịp thời, có hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh. Chất lượng sản phẩm dịch vụ không ngừng được nâng cao. Công tác thanh toán, luân chuyển vốn được thực hiện tốt

Cụ thể, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai các sản phẩm huy động, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn thực hiện ước đến 31/8/2019 đạt 7.506 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2018; tổng dư nợ cấp tín dụng ước đạt 8.781 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2018; ước tính nợ xấu 94 tỷ đồng, chiếm 1,1% trong tổng dư nợ, giảm 44% so với cùng kỳ 2018. Các chương trình tín dụng ngân hàng được thực hiện hiệu quả. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn ước đạt 2.723 tỷ đồng, chiếm 40,3% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 758 tỷ đồng, chiếm 11,2%; dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao là 6 tỷ đồng; dư nợ tín dụng chính sách của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội ước đạt 2.016 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của HĐND tỉnh là 1,9 tỷ đồng.

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng trên địa bàn xác định tiếp tục chủ động trong việc áp dụng các hình thức cải cách hành chính, tiết giảm giấy tờ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong các nghiệp vụ gửi tiền, vay tiền và thực hiện các nghiệp vụ tài chính khác, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Nguyễn Nga