Thứ Bảy, 23/11/2024
Ngày đăng: 22/09/2020 - Lượt xem: 49
Xem với cỡ chữ

Thúc đẩy thương mại điện tử hướng tới nền kinh tế số

Từ sự quan tâm của tỉnh cùng sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp trong nắm bắt công nghệ, xu hướng tiêu dùng mới, việc ứng dụng thương mại điện tử đã góp phần tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hướng tới nền kinh tế số trong tương lai.

Thương mại điện tử là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến. Trong vài năm trở lại đây, khái niệm thương mại điện tử đã dần trở nên phổ biến, trở thành một trong những công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường trao đổi thông tin, phát triển quan hệ, tìm kiếm đối tác, tìm kiếm thị trường, tiếp thị sản phẩm một cách hiệu quả, không bị giới hạn về thời gian không gian, giảm được các chi phí sản xuất và giao dịch. Đặc biệt, những lợi ích đó càng được thể hiện rõ nét trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, khi mà hầu hết các doanh nghiệp, ngành nghề chịu thiệt hại, thì thương mại điện tử lại trở thành một điểm sáng, mở ra hướng đi mới cho nhiều doanh nghiệp.

Trên cơ sở thực tế phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn, nhu cầu và xu hướng ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc ứng dụng thương mại điện tử trong các cơ quan quản lý nhà nước đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập.

Đồng hành cùng doanh nghiệp vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho TMĐT phát triển trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư đồng bộ hạ tầng CNTT, viễn thông đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Bên cạnh đó, hệ thống chính quyền điện tử được duy trì hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là việc vận hành đồng bộ phần mềm một cửa, một cửa liên thông và dịch vụ công mức độ cao khiến môi trường hành chính của tỉnh ngày càng công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, từ năm 2015, tỉnh đã ra Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, hàng năm tỉnh đều bố trí kinh phí, giao Sở Công thương tổ chức các lớp tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cung cấp thêm kiến thức, thông tin về lợi ích, các mô hình thương mại điện tử, cơ hội, thách thức và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến thương mại điện tử. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực thương mại điện tử cho các thương nhân về các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vốn, nguồn nhân lực, xây dựng và sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm công nghệ trong quản lý doanh nghiệp theo định hướng phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020.

Ngoài công tác tuyên truyền, lực lượng Quản lý thị trường của tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra tập trung vào một số nội dung: Kiểm tra các điều kiện quản lý hoạt động thương mại điện tử của doanh nghiệp; việc cung cấp thông tin trên website thương mại điện tử bán hàng; việc giao kết hợp đồng trên trang thông tin điện tử bán hàng; việc sử dụng chữ ký điện tử trong hoạt động thương mại điện tử; việc thu thập, bảo vệ và sử dụng thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử; giải quyết tranh chấp, khiếu nại của khách hàng…

Là lực lượng nòng cốt triển khai ứng dụng thương mại điện tử, các doanh nghiệp trên địa bàn thời gian qua đã ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Trong đó, một số doanh nghiệp có quy mô khá đã chú ý khai thác có hiệu quả các tính năng của thương mại điện tử vào trong trong công việc hàng ngày như: Chú trọng sử dụng email trong công việc, đã thiết lập mạng nội bộ, xây dựng phần mềm quản lý doanh nghiệp ứng dụng vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần phát triển kinh tế của tỉnh, xây dựng kho dữ liệu điện tử để quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình, xây dựng websie, thông qua trang website đã giới thiệu, quảng bá được sản phẩm của doanh nghiệp một cách rộng rãi và thu hút người dân quan tâm.

Trang Thông tin điện tử miendongbackan.com do Hội Nông dân tỉnh quản lý
cập nhật thường xuyên thông tin quảng bá sản phẩm miến dong Bắc Kạn

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp. Trong đó 80% doanh nghiệp sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 50% có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 40% tham gia các trang thông tin điện tử bán hàng (gọi tắt là website thương mại điện tử) để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 30% ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh. Các giao dịch thủ tục hành chính liên quan đến thương mại, hoạt động sản xuất kinh doanh được thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng. Doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi các loại hình thương mại điện tử như doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - chính phủ (B2G) trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu. Cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp được tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn về thương mại điện tử.

Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thương mại điện tử được xác định là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Thương mại điện tử cũng sẽ là công cụ hữu hiệu trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển sau đại dịch Covid-19. Để bắt kịp xu thế của thời đại, trong thời gian tới, Bắc Kạn xác định tiếp tục nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử; xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử; tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp…

 

Nguyễn Nga