Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 68
Xem với cỡ chữ

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội

Nhận thức rõ công nghệ thông tin là kênh quan trọng có độ phủ rộng để đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nhanh chóng các thông tin chính thống về chính sách của Đảng và Nhà nước; đẩy lùi các thông tin xấu, độc của các thế lực phản động gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025", UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025”  trên địa bàn tỉnh, trong đó có giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương.

Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng phát triển hạ tầng CNTT và hệ thống truyền thanh nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)  tiếp cận được thông tin về các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, nâng cao nhận thức. Tỉnh đã đầu tư hiện đại hóa hệ thống đài truyền thanh cấp xã, hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở hiệu quả hơn. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 07 xã khó khăn thuộc 03 huyện của tỉnh được hỗ trợ xây dựng mới Đài truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông với trị giá trên 2 tỷ đồng.

Công chức xã Vi Hương (huyện Bạch Thông) vận hành hệ thống truyền thanh thông minh (Ảnh - Xuân Nghiệp)

Tỉnh cũng đã triển khai lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất và đầu thu truyền hình số vệ tinh cho 1.351 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, mở rộng vùng phủ sóng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho các cơ quan nhà nước, phục vụ hiệu quả nhu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Đồng thời, đảm bảo kết nối đồng bộ, thông suốt và có khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin đảm bảo an toàn, thuận tiện giữa Ủy ban Dân tộc và cơ quan công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương.

Nhằm đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã quan tâm lồng ghép tập huấn, tuyên truyền công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tổ chức cung cấp, phổ cập các kiến thức về công nghệ thông tin cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo các xã, Trưởng thôn, người có uy tín, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện hỗ trợ người có uy tín ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, hướng dẫn người dân hưởng ứng việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc góp ý, đánh giá hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật và trao đổi thông tin tương tác hai chiều giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tìm kiếm, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 do các cơ quan nhà nước cung cấp…

Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức các mô hình tuyên truyền trực tuyến trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số để chuyển giao các quy trình sản xuất, công nghệ sản xuất cho người dân như: kỹ thuật sản xuất chè VietGAP; sản xuất và tiêu thụ cam, quýt theo hướng VietGAP; kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc cây hồng không hạt; quy trình kỹ thuật sản xuất tinh dầu quýt; công nghệ chế biến các sản phẩm chè mới chất lượng cao (chè Ngân Kim, chè sợi, chè xanh thơm, Hồng trà, Bạch trà…) với tổng số lượt người dân được tập huấn, chuyển giao khoảng 800 lượt người/năm.

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Tỉnh cũng chủ trương tăng cường công tác dạy, phổ cập tin học tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú và trường Cao đẳng Bắc Kạn với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ về công nghệ thông tin cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Những nỗ lực của tỉnh trong ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc thiểu số (DTTS) với các địa bàn trong toàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phòng chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã./.

 

Nguyễn Nga