Thứ Ba, 03/12/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 59
Xem với cỡ chữ

Bắc Kạn: Phát triển Sàn thương mại điện tử góp phần xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

Trong bối cảnh công nghệ số đã và đang từng bước đi sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống, thương mại điện tử đang dần trở thành xu thế mới của nền kinh tế mọi quốc gia. Với những tính năng, ưu điểm vượt trội, mang lại sự thuận tiện và tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian cho cả người mua và người bán, sàn thương mại điện tử đang là hướng phát triển tất yếu mà các nền kinh tế lớn nhỏ đều hướng tới. Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, Bắc Kạn đang tích cực xây dựng và đưa vào hoạt động Sàn thương mại điện tử của tỉnh nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của địa phương, chủ lực là các sản phẩm OCOP đã được công nhận và xếp hạng.

Sàn thương mại điện tử - xu thế tất yếu của xã hội số

Ngày nay, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, xu hướng thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến ở các quốc gia, lãnh thổ, giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý của hoạt động giao thương hàng hóa.

Thương mại điện tử được hiểu là hoạt động mua - bán sản phẩm (hoặc dịch vụ) thông qua các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính. Ở Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử xuất hiện vào những năm đầu của thập niên 2010; chính thức được công nhận năm 2013 sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử về thương mại điện tử, trong đó nêu rõ: “Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”. Những năm qua, sự phát triển nhanh chóng của Thương mại điện tử đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ và tiếp cận người tiêu dùng, một trong số đó phải kể đến Sàn giao dịch thương mại điện tử - kênh bán hàng được đánh giá là rất hữu hiệu hiện nay.

Sàn thương mại điện tử được được hiểu là website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Thông qua Sàn giao dịch thương mại điện tử, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ. Mặt khác, người dùng có thể tìm mua các loại sản phẩm hay dịch vụ đáp ứng được yêu cầu cá nhân, đồng thời có thể tương tác/phản hồi/đánh giá chất lượng đối với các doanh nghiệp, cửa hàng, tạo nên mối quan hệ qua lại hai chiều bền vững. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhiều năm trở lại đây, người dùng internet đã rất quen thuộc với các sàn giao dịch thương mại điện tử phục vụ mọi nhu cầu mua - bán sản phẩm hàng hóa không phân biệt biên giới, lãnh thổ, với nhiều tính năng vượt trội, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tốt cũng như nhiều chính sách ưu đãi, chế độ phục vụ tốt.

Với những tính năng ưu việt, Sàn thương mại điện tử là cầu nối vô cùng quan trọng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng. Thông qua sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp có thể dễ dàng giới thiệu, trao đổi những thông tin, quảng bá thương hiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình đến các đối tác, khách hàng một cách công khai. Từ đó, góp phần tăng doanh thu, mở rộng hệ thống khách hàng, giúp tiết kiệm, giảm thiểu các chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên quản lý, vận chuyển cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thông qua việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Sàn thương mại điện tử.

Bắc Kạn xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP qua sàn giao dịch thương mại điện tử

Là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Bắc Kạn đã ban hành Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 2018 – 2020, Bắc Kạn phát triển ít nhất từ 30 - 40 sản phẩm truyền thống đặc sắc tại các địa phương; đồng thời xác định và lựa chọn hoàn thiện, nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị ít nhất từ 10 - 20 sản phẩm truyền thống có tiềm năng và khả năng phát triển theo hướng thương mại hóa có quy mô trung bình và lớn; hình thành từ 20 - 30 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng và tái cơ cấu 10 - 15 tổ chức đã có để phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống. Phấn đấu đến năm 2030, có 200 sản phẩm OCOP và phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo ra 100 tổ chức kinh tế OCOP.

Tỉnh xác định tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP nằm trong 5 nhóm hàng chủ lực: Nhóm rau, củ, quả đặc sản và sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả; nhóm gạo và các sản phẩm từ gạo; nhóm chè và sản phẩm chế biến từ cây chè; nhóm sản phẩm từ cây dược liệu; nhóm sản phẩm du lịch nông thôn, điểm du lịch tập trung các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, cộng đồng tại Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể, ATK Chợ Đồn...

Bắc Kạn là tỉnh tiên phong trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, tuy nhiên vấn đề thị trường tiêu thụ hiện là khó khăn lớn đối với các sản phẩm OCOP của địa phương. Thời gian qua, mặc dù đã đẩy mạnh các hoạt  động xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản OCOP tỉnh Bắc Kạn đến với đông đảo người tiêu dùng như: Tổ chức tuần lễ giới thiệu các sản phẩm nông sản sạch của tỉnh Bắc Kạn năm 2019 tại Hà Nội; trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản OCOP tại Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5… Tuy nhiên, sức tiêu dùng của các sản phẩm OCOP vẫn chưa được như kỳ vọng.

Với mục tiêu mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh, đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp một số đơn vị, doanh nghiệp triển khai xây dựng sàn thương mại điện tử tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP của địa phương tiếp cận gần hơn với thị trường trong và ngoài nước.

Giữa tháng 5/2021 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức lễ ký kết hợp tác triển khai sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn có tên miền www.bkmarket.vn với Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam.

Sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn www.bkmarket.vn được triển khai nhằm quảng bá và phân phối các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đến với khách hàng trên môi trường số. Sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất quản lý thông tin sản phẩm dịch vụ; giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua việc tích hợp giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ; tạo điều kiện giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc phân phối sản phẩm thông qua việc tích hợp các giải pháp về thanh toán, logistics…

Sàn thương mại điện tử Bắc Kạn với một số sản phẩm dược liệu của tỉnh

Sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn www.bkmarket.vn hiện do Tập đoàn Kim Nam là đơn vị chủ trì xây dựng nền tảng thương mại điện tử. Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến ứng dụng thương mại điện tử trong toàn tỉnh. Sở Công Thương là đơn vị phối hợp tư vấn xây dựng kế hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh. Sau khi hoàn thiện, Sàn thương mại điện tử sẽ được bàn giao cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và giao cho Sở Công Thương chịu trách nhiệm quản lý, vận hành theo quy định.

Sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn cũng đã xây dựng quy chế hoạt động với các điều khoản cụ thể về quy trình giao dịch mua - bán, vận chuyển, các chính sách đổi/trả/hủy hàng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại…, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên khi tham gia mua/bán sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử.

  Trong thời đại bùng nổ công nghệ 4.0, việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời mở ra cơ hội phát triển nhanh chóng cho những người làm sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm tốt hơn nữa vai trò của mình, đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhanh chóng bắt kịp với xu thế thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay./.

Thu Hiền