Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 27/09/2023 - Lượt xem: 78
Xem với cỡ chữ

Bắc Kạn: Hỗ trợ trang bị công cụ cho người dân tham gia môi trường số

“Điểm nghẽn” đầu tiên cần tháo gỡ trong nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn, đó là phải nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, nhất là người dân và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ trang bị công cụ cho người dân tham gia môi trường số hiện nay.

Nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, nhất là người dân và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ trang bị công cụ cho người dân tham gia môi trường số hiện nay… là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong lộ trình chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn.

Với quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ, tỉnh Bắc Kạn đang trên lộ trình thực hiện những bước đi, cách làm phù hợp nhất, thiết thực nhất với điều kiện thực tế của tỉnh. Là tỉnh miền núi, trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, Bắc Kạn xác định cần huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân.

 Điểm nghẽn” đầu tiên cần tháo gỡ trong nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, đó là phải nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, nhất là người dân và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ trang bị công cụ cho người dân tham gia môi trường số hiện nay.

Số liệu theo Cục Viễn thông thống kê, tính đến hết năm 2022 tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là 84,9% đứng hàng 7/63 tỉnh thành phố, cao hơn trung bình cả nước 79,13%, còn 15,1% thuê bao chưa có điều kiện trang bị điện thoại thông minh để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt các ứng dụng cá nhân, thanh toán không dùng tiền mặt. Số người dân chưa có điện thoại thông minh chủ yếu là thành viên các hộ nghèo, cận nghèo, người dân thuộc xã có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024 mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 điện thoại thông minh, tiến tới mỗi người dân trưởng thành có 1 điện thoại thông minh, Bắc Kạn xác định tập trung xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã gắn liền với phổ cập điện thoại thông minh tới người dân là góp phần giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, miền núi và miền xuôi, giúp xóa đi ranh giới giữa người dân ở hai khu vực và thực hiện đúng như quan điểm “lấy người dân làm trung tâm” theo định hướng của kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, để tổ chức triển khai chuyển đổi số một cách bài bản, vững chắc.

Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, năm 2023, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 14/6/2023 về việc thí điểm triển khai thực hiện chuyển đổi số tại 08 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2023 và Kế hoạch số 506/KH-UBNB ngày 28/7/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 08 xã/phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023. Theo đó, tỉnh Bắc Kạn thực hiện xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 08 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo nguyên tắc mỗi huyện, thành phố lựa chọn 01 xã để thí điểm triển khai, đảm bảo phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của từng xã, đồng thời bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, thực hiện thí điểm trang bị điện thoại thông minh cho người dân chưa có điện thoại thông minh tại 08 đơn vị cấp xã/ phường được lựa chọn triển khai thí điểm chuyển đổi số (ưu tiên trước các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng khác).

Đồng chí Hoàng Văn Thiên - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
tiếp nhận ủng hộ chương trình phổ cập điện thoại thông minh của doanh nghiệp

Tháng 8/2023, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ phát động quyên góp, ủng hộ Chương trình hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh thực hiện chuyển đổi số năm 2023.  Lễ phát động được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, lãnh đạo UBND, UB MTTQ Việt Nam tỉnh, đại biểu đại diện cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện, cấp xã cùng các doanh nghiệp tham dự. Ngay sau lễ phát động của tỉnh, các ngành, địa phương cũng đã tổ chức quyên góp, ủng hộ chương trình.

Tính đến hết ngày 30/8/2023, quỹ phát động quyên góp, ủng hộ Chương trình phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 08 xã/phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023 đã nhận được sự đóng góp của 41 cơ quan, đơn vị (35 đơn vị ủng hộ tiền mặt, 06 đơn vị ủng hộ máy điện thoại), 35 cá nhân với tổng số tiền là 405 triệu đồng  và 176 chiếc  điện thoại (tính trung bình mức là 2 triệu đồng/ 1 điện thoại).

Sở Thông tin và Truyền thông bàn giao điện thoại thông minh cho UBND các huyện, thành phố

Ngày 31/8/2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức bàn giao cho UBND các huyện, thành phố thuộc Chương trình hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 08 xã/phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023 (đợt 1) với tổng là 176 chiếc điện thoại thông minh. Các địa phương cũng đã trao smartphone đợt 1 cho người dân. Các đợt tiếp theo sẽ được tổ chức trong thời gian tới.

Với việc thí điểm hỗ trợ trang bị công cụ cho người dân tham gia môi trường số, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đúng quan điểm “lấy người dân làm trung tâm” trong chuyển đổi số. Đồng thời việc hỗ trợ điện thoại thông minh cho đúng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo… mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khẳng định tinh thần “không ai bị bỏ lại phía” sau trong chuyển đổi số. Chương trình  đã nhận được sự đồng thuận, sự vào cuộc, ủng hộ của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân  trong việc tham gia quá trình thực hiện chuyển đổi số tại địa phương.

Xã Côn Minh - huyện Na Rì  trao điện thoại thông minh hỗ trợ cho người dân

Giá trị vật chất thu được qua Chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh tại Bắc Kạn đến thời điểm này chưa phải là lớn, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân nhưng rất đáng trân trọng đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn. Qua ghi nhận, chương trình đã tạo được hiệu ứng truyền thông lan tỏa sâu rộng, góp phần thúc đẩy tinh thần học tập nâng cao nhận thức và khai thác các ứng dụng số cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Từ thực tiễn có thể khẳng định, việc hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân vận dụng với điều kiện của Bắc Kạn là phù hợp, cần được nhân rộng phạm vi thí điểm sang các địa phương trong tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân miền núi từ việc tiếp cận công nghệ số, đóng góp thiết thực vào lộ trình chuyển đổi số tại địa phương./.

Nguyễn Nga