Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 26/09/2023 - Lượt xem: 85
Xem với cỡ chữ

Nhân rộng mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã: Thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương

Với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy thí điểm chuyển đổi số tại 8 xã, phường nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thay đổi nhận thức về CĐS, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình nhằm đảm bảo hiệu quả trên quy mô toàn tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn quyết tâm đồng hành cùng với các địa phương triển khai chương trình nhân rộng mô hình thí điểm chuyển đổi số (CĐS) cấp xã trong năm 2023.

Từ mô hình thí điểm

Ngay sau khi Chương trình CĐS quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tư duy đổi mới, thực tiễn “chuyển đổi số phải đi vào cuộc sống theo hình thức thực tế nhất, nơi càng khó khăn càng cần và càng dễ triển khai”, năm 2020, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn xã Vi Hương huyện Bạch Thông là xã đầu tiên của tỉnh và là 01 trong 07 xã tiên phong trên cả nước được Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ thực hiện thí điểm CĐS trên cả 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình ra các địa phương trên địa bàn cả nước.

Trong 4 tháng của Giai đoạn 1, xã Vi Hương huyện Bạch Thông đã có sự tham gia đồng hành của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn; UBND huyện Bạch Thông và các doanh nghiệp như: Tập đoàn công nghệ CMC, Viettel Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Ha Noi Telecom), Công ty cổ phần dịch vụ và giải pháp xử lý dữ liệu VBee, Viễn thông Bắc Kạn (VNPT).

 Các hoạt động chuyển đổi số được triển khai tại xã gồm: Xây dựng các kênh giao tiếp, tương tác thuận tiện hơn với người dân; nâng cấp hệ thống loa truyền thanh thông minh, cài phần mềm chuyển văn bản sang âm thanh thông qua nền tảng AI; triển khai các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng; triển khai nền tảng kết nối thương mại điện tử AgriConnect cho các sản phẩm nông sản của xã; phần mềm bán hàng Shopone; triển khai cầu truyền hình và nền tảng hỗ trợ hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth tại trạm y tế; lắp đặt trạm phát sóng di động 4G; trạm wifi công cộng tại khu vực UBND xã.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã góp phần thay đổi nhận thức, tác phong trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của lãnh đạo và công chức xã Vi Hương theo hướng năng động, hiện đại, chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn gần dân, vì dân. Đối với người dân, nhiều người đã hiểu được thế nào là chuyển đổi số, nội dung của chuyển đổi số và những lợi ích có được từ chuyển đổi số. Từ đó có sự thay đổi và chủ động nắm bắt cơ hội do chuyển đổi số mang lại trong sản xuất cũng như sinh hoạt đời thường. Về phía doanh nghiệp, Hợp tác xã Thiên An trên địa bàn xã Vi Hương đưa thành công sản phẩm có mặt tại sàn thương mại điện tử... Việc đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử sẽ mở ra cơ hội cho hợp tác xã tập trung vào chế biến sâu sản phẩm thay vì phụ thuộc vào một thị trường như trước đây.

Mặc dù là xã đầu tiên thực hiện mô hình CĐS, một lĩnh vực hoàn toàn mới, song với sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền, sự quan tâm giúp đỡ của Cục Tin học hóa Bộ TT&TT, các sở, ban, ngành của tỉnh, của huyện cùng với sự vào cuộc tích cực của cả người dân và DN, bước đầu mô hình xã CĐS ở Vi Hương  đã có bước chuyển mình đáng khích lệ, đạt được những kết quả đột phá trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Mô hình này đã mang đến luồng gió mới trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã Vi Hương về chuyển đổi số, từng bước tạo nên mô hình xã thông minh đem lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương.

Tới nhân rộng mô hình thí điểm

Thành công của giai đoạn 1 thí điểm chuyển đổi số tại xã Vi Hương đã mở ra nhiều cơ hội cho các địa phương trong tỉnh học tập và làm theo. Trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được từ mô hình chuyển đổi số của xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 14/6/2023 của UBND tỉnh về việc thí điểm triển khai thực hiện chuyển đổi số tại 08 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2023, theo nguyên tắc mỗi huyện, thành phố lựa chọn 01 xã để thí điểm triển khai, đảm bảo phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của từng xã, đồng thời bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

08 đơn vị cấp xã được UBND các huyện, thành phố lựa chọn là đơn vị triển khai thí điểm chuyển đổi số: Phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn; Xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông; Xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể; Xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn; Xã Như Cố, huyện Chợ Mới; Xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn; Xã Côn Minh, huyện Na Rì; Xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm.

Xã Như Cố - huyện Chợ Mới triển khai kế hoạch chuyển đổi số cấp xã 2023

Chuyển đổi số cấp xã sẽ tập trung vào 03 lĩnh vực, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó chú trọng đến các hoạt động gắn liền với cuộc sống của người dân như:  Hỗ trợ, khuyến khích người dân trang bị, sử dụng điện thoại thông minh trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp cận, đưa các sản phẩm OCOP, nông sản lên các sàn thương mại điện tử ... Rà soát danh mục các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của xã để  xây dựng thương hiệu, triển khai dịch vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, làm các thủ tục pháp lý khác theo quy định đưa sản phẩm lên các Sàn thương mại điện tử (Voso, Postmart, …); nghiên cứu giải pháp kết nối với các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bán sản phẩm. Hướng dẫn người dân tạo lập tài khoản mạng xã hội; đăng tải tin bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội….

Các hoạt động được triển khai tại mô hình chuyển đổi số cấp xã được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân; tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, thuận lợi nhất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

CĐS cấp xã là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, giúp xoá đi ranh giới giữa người dân ở hai khu vực và thực hiện đúng như quan điểm “lấy người dân làm trung tâm” theo định hướng của kế hoạch CĐS quốc gia. 

Tuy nhiên việc CĐS  cấp xã là một việc khó, là một quá trình lâu dài để thay đổi từ tư duy, nhận thức của cả người dân, cũng như các cán bộ cấp xã, đòi hỏi sự vào cuộc, sự quan tâm và sát sao của Lãnh đạo các cấp tại địa phương, cũng như sự sáng tạo, quyết tâm của Lãnh đạo cấp xã để có thể thu được nhiều kết quả tốt hơn trong thời gian tới./.

Nguyễn Nga