Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 57
Xem với cỡ chữ

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên cơ sở hình thành, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước, góp phần tái cơ cấu ngành Công Thương.

Đó là những mục tiêu được Chính phủ xác định tại Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030” theo Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. 

Đề án nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng, hình thành Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hình thành, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm.

25% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ 100.000 lượt doanh nghiệp và 25% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số; 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin.

100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung, chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Đồng thời, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Đề án triển khai xây dựng và phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại bao gồm mạng lưới xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; doanh nghiệp xúc tiến thương mại; ngành hàng, thị trường và các cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại.

Cùng với đó là nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin, cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế; nền tảng hội chợ, triển lãm nhằm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số; đào tạo trực tuyến (E-learning) tích hợp các kho học liệu, thư viện điện tử, hỗ trợ tra cứu thông tin, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại; nền tảng định danh điện tử cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại; các nền tảng chuyên ngành khác phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại.

Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số phải được xây dựng theo kiến trúc tổng thể, thống nhất, phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ, kỹ thuật theo quy định; bảo đảm khả năng vận hành thông suốt, nâng cấp, mở rộng, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu. Đồng thời, xây dựng, phát triển, thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các mô hình mẫu về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; nhân rộng các mô hình thành công.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án; định kỳ trước ngày 25/12 hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Đề án; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Đề án trong trường hợp cần thiết. Ban hành kế hoạch thực hiện Đề án cho từng giai đoạn và hằng năm; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hằng năm theo hướng dẫn và kế hoạch tổng thể của Bộ Công Thương. Ban hành chính sách, cơ chế thu hút nguồn lực và công nghệ để góp phần triển khai có hiệu quả Đề án. Định kỳ hằng năm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Đề án, gửi báo cáo về Bộ Công Thương trước ngày 15/12 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hợp tác xã Thiên An (xã Vi Hương, huyện Bạch Thông) chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xúc tiến thương mại. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với thủ tục hành chính về xúc tiến thương mại được thực hiện với dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ: https://dichvucong.backan.gov.vn.  Qua đó giảm được rất nhiều thời gian và chi phí cho các thương nhân thực hiện thủ tục hành chính; thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý hồ sơ xác nhận đăng ký thực hiện các chương trình khuyến mại mang tính may rủi và Thông báo thực hiện khuyến mại. Việc triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bắt kịp với xu thế chung của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực này của quốc gia./.

Nguyễn Nga