Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 56
Xem với cỡ chữ

Đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng

Thời gian qua, Ngành Ngân hàng đã tập trung thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tạo những bước tiến mạnh mẽ, mở rộng quy mô và phạm vi, đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến, mọi lúc mọi nơi của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.

 

Giao dịch tại Ngân hàng Công thương chi nhánh tỉnh Bắc Kạn

Đến năm 2025, 100% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4

Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ. Đồng thời phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

Theo Kế hoạch này, đến năm 2025, sẽ có 100% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 90% hồ sơ công việc tại Ngân hàng Nhà nước được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có tối thiểu 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, tối thiểu 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet).

Để thực hiện Kế hoạch, theo Ngân hàng Nhà nước, cần chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách; Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chiến lược phát triển, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của từng cơ quan, tổ chức.

Đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng

Chuyển đổi số cũng đặt ra cho ngành Ngân hàng nhiều thách thức trong vấn đề hoàn thiện các quy định pháp lý, đồng bộ, và chuẩn hóa cơ sở hạ tầng để kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số, thay đổi về nhu cầu, hành vi khách hàng, đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng...

Tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13 tháng 01 năm 2022 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nâng cao nhận thức của các tập thể, cá nhân trong ngành ngân hàng về vai trò, lợi ích của hoạt động chuyển đổi số. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chỉ đạo triển khai chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách. Tiếp tục chú trọng và tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, giảm thiểu tối đa các rủi ro phát sinh trong quá trình cung ứng, thực hiện các hoạt động ngân hàng trên môi trường số.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng để phát triển, cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, an toàn, tăng cường trải nghiệm khách hàng và đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, Thống đốc yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương phối hợp các đơn vị liên quan của Bộ Công an trong việc triển khai, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được kết nối, khai thác thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân để phục vụ công tác xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.

Các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng, công tác bảo đảm an ninh an toàn trên địa bàn và phối hợp các sở ban, ngành, cơ quan liên quan trên địa bàn để tham mưu, thông tin kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong triển khai nhiệm vụ, thực hiện những giải pháp cụ thể, khả thi nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ngân hàng nói riêng, bảo đảm an ninh, an toàn phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số phù hợp định hướng phát triển và nguồn lực, khả năng của đơn vị, trong đó chú trọng việc phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đổi mới, an toàn, tiện ích, phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, tăng cường trải nghiệm khách hàng.
Tiếp tục đẩy mạnh tích hợp kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng sản phẩm, dịch vụ với trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt cho khách hàng, trong đó chú trọng đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, hành chính công,…

***

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, góp phần đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn trong nền kinh tế, đảm bảo khả năng thanh khoản; tiếp tục thực hiện trả lương qua tài khoản; tích cực thông tin, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến; áp dụng chính sách miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán trong ngân hàng và liên ngân hàng, phương thức thanh toán điện tử được thực hiện qua thông qua nhiều kênh thanh toán như internet, điện thoại di động, QR code. 

Các chi nhánh NHTM trên địa bàn đều triển khai việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến, tạo thuận lợi cho khách hàng trong thanh toán, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.  Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo các giao dịch thanh toán điện tử diễn ra thuận lợi, đáp ứng kịp thời nhu cầu về gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền của khách hàng, nhận và chi trả kiều hối…

 Có thể nhận thấy ngân hàng số mang đến một "sự chuyển mình" khi việc phát triển lĩnh vực này đã trở thành mục tiêu tiên quyết của nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn./.

Nguyễn Nga