Thứ Bảy, 23/11/2024
Ngày đăng: 15/11/2023 - Lượt xem: 234
Xem với cỡ chữ

Người dân cần cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo tinh vi thời công nghệ 4.0

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ 4.0, các cách thức lừa đảo thông qua mạng ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn. Do đó, để bản thân không trở thành nạn nhân của kẻ xấu thì bản thân mỗi người phải tự đề cao cảnh giác để sớm nhận biết được các chiêu trò đó và né tránh.

Những con số thực tế

Theo Trang Thông tin điện tử Công an tỉnh Bắc Kạn đưa tin, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra hơn 10 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, khiến nhiều nạn nhân bị mất số tiền lớn. Và mặc dù đã được cảnh báo nhiều, thế nhưng vẫn tiếp tục có những nạn nhân mới của những chiêu trò lừa đảo này. Với những thủ đoạn giả danh cơ quan pháp luật, giả danh nhân viên ngân hàng, giả danh ngân hàng gửi tin nhắn kích hoạt dịch vụ, mạo danh công ty tài chính, tuyển cộng tác viên bán hàng trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, sàn chứng khoán, lập sàn giao dịch ảo, đầu tư sinh lời…

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tiếp nhận trình báo của một người phụ nữ trú tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn về việc bị lừa đảo số tiền 870.000.000đ. Khoảng cuối tháng 9/2023, chị này nhận được lời mời kết bạn trên mạng xã hội Facebook của một tài khoản tên “Vũ Trung Quyền” tự giới thiệu đang làm việc cho một công ty kinh doanh cờ bạc tại Singapore. Qua tin nhắn, đối tượng rủ rê người phụ nữ lập tài khoản tại trang web có tên miền advancegame.cfd để đầu tư. Khi tài khoản được xác lập và truy cập vào trang web thì thấy có nội dung đánh bạc (cá cược trực tuyến).

Ngày 15/10/2023, chị đã nạp vào tài khoản bằng cách chuyển vào tài khoản của các đối tượng số tiền 82.000.000đ đến rạng sáng ngày 16/10/2023, tài khoản ngân hàng của chị được cộng 105.000.000đ. Do tin tưởng đối tượng, từ ngày 16/10/2023 đến ngày 26/10/2023, người phụ nữ này tiếp tục nạp vào tài khoản trên trang web của một số đối tượng tự nhận là người chăm sóc khách hàng với tổng số tiền 870.000.000đ, sau đó số tiền này không rút ra được. Nghi ngờ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên, người phụ nữ đã trình báo cơ quan Công an.

Các chiêu trò lừa đảo tinh vi mà bạn nên biết

Không chỉ qua mạng mạng xã hội các đối tượng xấu hiện nay còn lợi dụng mạng di động để thực hiện các chiêu trò lừa đảo của mình. Thủ đoạn và hành vi của chúng ngày càng tinh vi, nếu không cảnh giác thì ai cũng có thể trở thành nạn nhân của chúng.

Cách thức lừa đảo bằng mạng di động được các đối tượng phạm tội sử dụng khá phổ biến hiện nay chính là “Mạo danh cán bộ Nhà nước”. Đây là chiêu thức lừa đảo không phải quá mới nhưng vẫn có rất nhiều người bị mắc lừa.
Với cách thức lừa đảo này, các đối tượng sẽ gọi điện cho nạn nhân và tự xưng mình là Công an đang phụ trách điều tra một vụ án và biết được tài khoản của nạn nhân có liên quan đến vụ việc trên. Sau đó, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về tài khoản hoặc yêu cầu chuyển tiền để điều tra.
Tâm lý chung của các nạn nhân lúc này là hoảng sợ và thiếu bình tĩnh nên lập tức làm theo những gì mà các tên tội phạm nói và vô tình để chúng thực hiện trót lọt hành vi xấu xa của mình.

 Trên thực tế không hề có chuyện cán bộ công an gọi điện trực tiếp và yêu cầu chuyển tiền như trên. Nếu cần làm việc sẽ gặp trực tiếp hoặc mời lên cơ quan. Do đó, trong trường hợp này, đừng phân vân tố cáo lừa đảo qua mạng ở đâu mà người bị hại cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để được điều tra và giải quyết.

Một cách thức lừa đảo khác cũng được các đối tượng phạm tội áp dụng hiện nay chính là “Giả danh nhân viên sân bay”. Các đối tượng phạm tội sẽ gọi điện và tự nhận mình là nhân viên sân bay. Chúng sẽ nói với nạn nhân là có người gửi nạn nhân một kiện hàng với trị giá rất lớn, để nhận được kiện hàng thì phải chuyển một khoản tiền vào số tài khoản của chúng để làm thủ tục. Chính vì nhẹ dạ cả tin mà có rất nhiều người đã tin lời và mất một khoản tiền lớn cho bọn tội phạm. Trong những trường hợp như thế này, việc bạn cần làm là phải bình tĩnh, xác thực thông tin rõ ràng về người gửi kiện hàng, không nên vội vàng chuyển tiền.

Trên Facebook hiện nay có rất nhiều những ứng dụng mang tính chất giải trí. Tuy nhiên, trong số đó sẽ có những ứng dụng lừa đảo mà người dùng không thể nào biết được. Khi nhấp vào, người dùng sẽ bị mất toàn bộ thông tin cá nhân, thậm chí là cả tài khoản Facebook. Và các tên tội phạm sẽ dùng tài khoản này để tiếp tục thực hiện những hành vi lừa đảo qua mạng khác.

Với cách thức lừa đảo này, các đối tượng phạm tội sẽ hack tài khoản Facebook, sau đó lấy tài khoản này nhắn tin cho những người trong danh sách bạn bè để nhờ mua thẻ nạp tiền điện thoại hoặc mượn tiền. Vì tin tưởng nên nhiều người đã ngay lập tức thực hiện theo và dẫn đến việc bị lừa.

Lợi dụng việc mua sắm online ngày càng trở nên phổ biến hiện nay, các đối tượng đã tạo ra các trang bán hàng trên Facebook. Khi đã lựa chọn được sản phẩm và đặt mua thì người mua được yêu cầu phải thanh toán trước rồi mới giao hàng. Sau khi người mua chuyển tiền thì lập tức các đối tượng sẽ chặn tài khoản người người mua. Kết quả là không những không nhận được hàng mà còn mất luôn số tiền đã chuyển.

Một hình thức lừa đảo mới xuất hiện năm 2023 thông qua sử dụng Deepfake AI - công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake AI để thực hiện cuộc gọi video để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí hay có thể giả tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu…

Để thực hiện được hình thức lừa đảo này, các đối tượng tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… rồi sử dụng công nghệ Deepfake AI để tạo sẵn những video rất khó phân biệt thật - giả; có hình ảnh, giọng nói của cá nhân đó để phục vụ cho kịch bản lừa đảo. Đặc điểm chung của những cuộc gọi video như vậy thường có âm thanh, hình ảnh không rõ nét, tín hiệu chập chờn giống như cuộc gọi video trong khu vực phủ sóng di động hoặc wifi yếu để nạn nhân khó phân biệt thật, giả. Nếu nạn nhân cẩn thận gọi video để kiểm tra thì chúng sẽ không nhận cuộc gọi hoặc sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh, video để đánh lừa.

Trước tình trạng ngày càng có nhiều vụ việc lừa đảo bằng công nghệ Deepfake AI xảy ra, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:

- Không chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói trên các trang web hay tài khoản mạng xã hội công khai hoặc cho những người không quen biết.

- Khi nhận được cuộc gọi video từ người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp với nội dung vay, mượn tiền hoặc thông báo về những tình huống khẩn cấp, cần kiểm tra kỹ thông tin của người gọi, chú ý đến âm thanh, hình ảnh và tín hiệu của cuộc gọi. Nếu có sự khác biệt so với bình thường, cần hỏi thêm những câu hỏi để xác minh danh tính của người gọi hoặc gọi lại cho số điện thoại quen thuộc của người thân để xác nhận.

- Không chuyển tiền cho bất kỳ ai mà không có sự xác minh rõ ràng và chắc chắn. Nếu có nghi ngờ về tính xác thực của cuộc gọi hoặc tin nhắn, cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.

***

Lừa đảo thông qua mạng Internet, mạng xã hội ... đang  trở thành một vấn nạn của xã hội hiện nay. Chính vì thế, bản thân bạn phải đề cao cảnh giác tuyệt đối để sớm nhận biết và không trở thành nạn nhân của các đối tượng này nhé!

Nguyễn Nga (tổng hợp)