Thứ Bảy, 23/11/2024
Ngày đăng: 05/12/2023 - Lượt xem: 201
Xem với cỡ chữ

Bắc Kạn: Các hợp tác xã tăng cường chuyển đổi số

Ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại được xem là những giải pháp tối ưu cho việc tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã (HTX) trong giai đoạn hiện nay. Bắt kịp xu hướng đó, thời gian qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đã tăng cường chuyển đổi số để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm.

Chú trọng trong xây dựng thương hiệu sản phẩm

Lâu nay rất nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn có tiếng vang, được đánh giá là nông sản sạch, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, việc đưa các sản phẩm này vào hệ thống tiêu thụ lớn như các siêu thị, trung tâm thương mại lại không đơn giản bởi chưa đáp ứng được những tiêu chí về nhận diện thương hiệu (tem mác, bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm). Vấn đề đặt ra đối với các hợp tác xã của tỉnh hiện nay chính là thiết lập hệ thống quản lý chặt chẽ, chứng minh sản phẩm đảm bảo chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, quảng bá thương hiệu để từ đó để phát huy giá trị thực tế của chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

 

Các thành viên Hợp tác xã Yến Dương đóng gói sản phẩm Trà bí thơm

Nhằm hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục sản phẩm hàng hóa chủ lực trọng điểm của tỉnh cần ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc giai đoạn 2021 - 2025, trong đó giai đoạn 2021 - 2023 có 10 sản phẩm; giai đoạn 2023 – 2025 có 12 sản phẩm. Các sản phẩm được lựa chọn đều là những nông sản có chất lượng của Bắc Kạn, bước đầu có thị trường tiêu thụ ổn định. Việc triển khai truy xuất nguồn gốc nhằm hỗ trợ các hợp tác xã khẳng định chất lượng sản phẩm, mở rộng hơn thị trường tiêu thụ và quy mô sản xuất.

Hợp tác xã Yến Dương là một trong những đơn vị chủ lực của tỉnh trong sản xuất và chế biến nông sản địa phương với nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (từ 3 sao đến 4 sao cấp tỉnh) như: Bí thơm, gạo nếp Tài, miến dong tráng tay, Trà bí, mướp đắng rừng.

Các sản phẩm của Hợp tác xã Yến Dương rất được chú trọng về mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc

Chị Ma Thị Ninh – Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương chia sẻ: Để nâng cao giá trị cho các sản phẩm, cùng với việc đảm bảo tiêu chuẩn GPS (hệ thống sản xuất nông nghiệp hữu cơ) trong quá trình sản xuất, HTX Yến Dương đã tích cực tham gia Chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm. Đặc biệt, từ nguồn nguyên liệu Bí thơm, HTX đã đầu tư máy móc để chế biến thành công sản phẩm trà bí thơm Ba Bể.  

Không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm ngay từ quá trình gieo trồng, sản xuất, các sản phẩm của Hợp tác xã Yến Dương rất được chú trọng về hình thức, mẫu mã bao bì, quy cách đóng gói. Khi tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh, gian hàng của Hợp tác xã Yến Dương luôn nhận được sự quan tâm của nhiều du khách, người tiêu dùng nhờ các sản phẩm đẹp mắt, bài trí hấp dẫn. Đặc biệt, bao bì các sản phẩm được thiết kế mang đậm bản sắc quê hương, đầy đủ thông tin về chất lượng sản phẩm.

Khởi đầu với sản phẩm bí thơm được tỉnh lựa chọn ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc (giai đoạn 2021 - 2023), đến nay, tất cả các sản phẩm của Hợp tác xã Yến Dương đều đã thực hiện truy xuất nguồn gốc trên Cổng thông tin quản lý giám sát truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản Việt Nam (eGap.vn) của Liên hiệp hợp tác xã kinh tế số Việt Nam. Qua chia sẻ của giám đốc Hợp tác xã Ma Thị Ninh, nhờ ứng dụng giải pháp truy xuất EGAP và tham gia Cổng thông tin eGap.vn, các sản phẩm của Hợp tác xã Yến Dương đều được minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến thông qua tem truy xuất nguồn gốc được in ấn trên bao bì sản phẩm. Các thông tin về sản phẩm sẽ hiển thị ngay khi người tiêu dùng quét mã QR trên tem truy xuất. Nhờ đó, các sản phẩm của HTX Yến Dương đã khẳng định được chất lượng trên thị trường, phân phối đi nhiều tỉnh thành và một số hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng, thực phẩm sạch trong toàn quốc.

Tận dụng lợi thế của thương mại điện tử

          Xuất phát từ sở thích cá nhân với các video chia sẻ về cuộc sống thường nhật của bản thân và gia đình trên nền tảng tiktok, đến nay, anh Lường Quang Đại – Giám đốc Hợp tác xã nông sản Đại Bắc Kạn với kênh tiktok hơn 421.000 lượt người theo dõi đã đạt được những thành công ngoài mong đợi bằng việc bán sản phẩm trên các nền tảng xã hội.      

          Từ năm 2021,  kênh Tik Tok “Đại Bắc Kạn” thường xuyên đăng tải những video ngắn nói về cuộc sống của đồng bào vùng cao. Mùa măng thì tìm măng, ngày nắng thì bắt cá, tìm nước sạch, tìm quả ngon… Cứ như vậy, các video ngắn của anh nhanh chóng được người dùng yêu thích, thu về hàng triệu lượt xem. Nhiều người không ngại tương tác, bày tỏ sự yêu thích, chia sẻ cảm xúc với các video.

 

 

Vợ chồng anh Đại Bắc Kạn thành công khi quảng bá sản phẩm trên nền tảng tiktok

Ý tưởng kinh doanh trên mạng xã hội của anh Đại nẩy ra trong năm 2022, khi anh đăng tải 1 video quay đồi quýt của gia đình nhận được nhiều lời đề nghị mua hàng. Anh đã liên hệ với Bưu điện để tìm phương án vận chuyển sao cho đảm bảo chất lượng quả quýt khi đến tay khách hàng… Những phản hồi tích cực và số lượng đơn hàng ngày một tăng, anh Đại tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ quýt cho bà con trong xã và từ đó đã tìm ra hướng đi mới cho việc kinh doanh của gia đình, đó chính là kinh doanh các đặc sản của địa phương trên mạng xã hội.

Từ giữa năm 2023, anh Đại bắt đầu livestream bán các sản phẩm của gia đình tự làm ra và của bà con địa phương như miến dong thái tay, măng khô, trà mát gan. Nhờ tận dụng tốt tương tác của kênh tiktok, các phiên livestream bán hàng có hàng trăm lượt người xem, cách nói chuyện bán hàng mộc mạc, giản dị cũng khiến cho người xem thêm phần yêu mến và tin tưởng về các sản phẩm. Mặc dù số lượng đơn hàng chưa thực sự lớn nhưng cũng tăng dần qua mỗi lần livestream và mang lại doanh thu đáng mơ ước đối với gia đình làm nông thuần túy như anh Đại.

Với mong muốn mở rộng thị trường sản phẩm nông sản Bắc Kạn, qua đó góp phần giúp bà con quê hương từng bước thoát nghèo, anh Đại đã đứng ra thành lập Hợp tác xã nông sản Đại Bắc Kạn. Hiện nay, Hợp tác xã của anh đang hoạt động bán hàng chủ yếu trên các nền tảng xã hội và sàn thương mại điện tử. Việc thành lập hợp tác xã đã giúp anh Đại có thêm cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng như tìm hiểu thêm kiến thức, kỹ năng để phát triển hoạt động kinh doanh online, phát triển kênh bán hàng bền vững và hiệu quả.

Kinh nghiệm tự đúc rút trong quá trình xây dựng kênh bán hàng, livestream bán hàng cùng với những câu chuyện, hình ảnh giản dị, gần gũi đã giúp anh Lường Quang Đại ngày càng được nhiều người yêu mến. Nhiều địa phương như Bắc Giang, Yên Bái đã mời anh cùng hợp tác livestream bán nông sản cho bà con nông dân. Cá nhân anh cũng được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tặng thanh niên có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số. Hai vợ chồng anh vinh dự được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tuyên dương là Gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2023…

***

Chú trọng xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm nông sản đúng cách chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho các hợp tác xã. Trong thời gian tới, những hướng đi mới mẻ này cần được tận dụng và nhân rộng hơn nữa để giúp cho các hợp tác xã của tỉnh thích ứng linh hoạt với thời đại kinh tế số hiện nay…/.

Thu Hiền