Thời gian qua, mạng lưới viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt 3 cấp, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT, chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp. 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G; cáp quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính; số thuê bao điện thoại đạt 284.135 thuê bao (trong đó, thuê bao điện thoại cố định đạt 4.567, thuê bao điện thoại di động đạt 279.568 thuê bao); số thuê bao điện thoại thông minh đạt 192.579; mật độ điện thoại đạt 90,5 máy/100 dân. Số thuê bao internet đạt 224.065 thuê bao, mật độ thuê bao internet đạt 62 thuê bao/100 dân. Toàn tỉnh hiện có 6.233 km cáp quang, 672 trạm BTS, 7 cột ăng ten sử dụng chung cơ sở hạ tầng, 01 trạm điều khiển thông tin di động BTS. Tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng băng rộng cáp quang đạt 80%.
từ tỉnh đến các huyện, thành phố và 108 xã, phường, thị trấn
Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được thiết kế theo kiến trúc phân lớp bảo mật và sử dụng các công nghệ hiện đại như: VLAN, ảo hóa, cân bằng tải các kết nối Internet… Hệ thống máy chủ ảo hóa của Trung tâm dữ liệu gồm 5 máy chủ vật lý cung cấp tài nguyên cho trên 100 máy chủ ảo hóa chạy song hành được quản lý tập trung, đáp ứng tốt hoạt động của các hệ thống dịch vụ và có thể tạo thêm các máy chủ ảo hóa để triển khai các hệ thống dịch vụ. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đáp ứng yêu cầu sử dụng hiện nay của các hệ thống dịch vụ và ứng dụng của tỉnh.
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh được triển khai từ tỉnh đến các huyện, thành phố và 108 xã, phường, thị trấn. Từ năm 2021 đến nay, hệ thống đã phục vụ gần 145 cuộc họp trực tuyến của tỉnh (bao gồm các cuộc họp được kết nối từ điểm cầu trung ương đến tỉnh, huyện và cấp xã).
Thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đã triển khai xây dựng các hệ thống thông tin phần mềm, nền tảng phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền số. Năm 2022, kết nối xong Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó công chức Bộ phận Một cửa các cấp thực hiện việc tra cứu, khai thác thông tin công dân trực tuyến trên cơ sở dữ liệu quốc gia này trong quá trình thực hiện TTHC được thuận tiện; tính đến ngày 15/6/2023 đã có 6.400 yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc triển khai cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) và định danh điện tử cho công dân trên địa bàn tỉnh được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ. Tính đến ngày 16/6/2023, toàn tỉnh đã thu nhận 269.234 hồ sơ CCCD, cấp 269.003 căn cước công dân; cấp 69.012/140.000 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử.
Từ tháng 01 năm 2022 tỉnh triển khai dùng thử nghiệm phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT - iOffice ở cả 3 cấp. Hệ thống đảm bảo liên thông gửi - nhận văn bản 4 cấp qua trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 90,6%. Đến nay đã có 132 đơn vị sử dụng hệ thống "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và DVCTT mức độ cao, đạt tỷ lệ 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã có TTHC; năm 2022, hệ thống tiếp nhận và xử lý 129.139 hồ sơ và tính đến đầu tháng 8 năm 2023, hệ thống tiếp nhận 79.603 hồ sơ. Hệ thống thư điện tử công vụ, chữ ký số chuyên dùng, các hệ thống thông tin chuyên ngành tiếp tục được duy trì sử dụng.
Xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, tỉnh thường xuyên chỉ đạo việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), tích hợp DVCTT lên cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện rà soát, tái cấu trúc nhằm đơn giản hóa TTHC, đặc biệt là việc kết nối, sử dụng, tái sử dụng dữ liệu điện tử đã được các cơ quan nhà nước cung cấp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết TTHC. Từ năm 2021 đến năm 2023, việc tiếp cận DVCTT có sự thay đổi tích cực, tỷ lệ cung cấp DVCTT mức cao (mức độ 4 và mức độ toàn trình) của tỉnh đạt kết quả khá: Năm 2021 tỷ lệ cung cấp DVCTT mức độ 4 đạt 69%; năm 2022 tỷ lệ cung cấp DVCTT toàn trình đạt 67%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng hằng năm (năm 2021 tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC phát sinh trực tuyến chiếm 15,5% tổng số hồ sơ TTHC phát sinh của tỉnh; năm 2022 tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến đạt 30%; trong 6 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến của tỉnh đạt 52,3%).
Theo kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2022, được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 12/7/2023, Bắc Kạn xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giảm 12 bậc so với năm 2021. Tỉnh đang nỗ lực phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Bộ chỉ số Chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh được đánh giá theo 9 chỉ số chính, trong đó chỉ số hạ tầng số là một chỉ số quan trọng để triển khai thành công chuyển đổi số. Năm 2022, Nhóm chỉ số về hạ tầng tỉnh đạt 47,42/100 điểm.
Để hạ tầng số ngày càng bền vững, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, theo Kế hoạch phát triển hạ tầng số của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 được UBND tỉnh ban hành, có 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh đầu tư vào các hạ tầng băng rộng, ứng dụng các công nghệ mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng, hạ tầng điện toán đám mây trên địa bàn tỉnh; triển khai thí điểm tích hợp, sử dụng hạ tầng điện toán đám mây vào các hệ thống thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chuyển đổi từ cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ số, phát triển các nền tảng cung cấp hạ tầng như dịch vụ. Phát triển các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số ngành của các ngành, lĩnh vực: Y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp. Khuyến khích, thúc đẩy phát triển các nền tảng số do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng: Nghiên cứu xây dựng, triển khai áp dụng khung quản lý an toàn cơ sở hạ tầng số, bảo đảm việc áp dụng thống nhất giữa các chính sách, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an toàn đối với hạ tầng số theo quy định.
Như vậy, việc xây dựng chính quyền số của Bắc Kạn đã được xác định rất cụ thể, nhất là trong việc xây dựng hạ tầng số. Việc xác định rõ hạ tầng phải đi trước một bước cho thấy tỉnh đã chủ động trong tâm thế "số", thay đổi "số" để phát triển./.