Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 29/03/2024 - Lượt xem: 98
Xem với cỡ chữ

Cẩm nang “Làng số”: Mang nền tảng số "về làng"

Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình đều có thể học tập được những kinh nghiệm quý từ cẩm nang “Làng số” - học tập các mô hình kinh tế số và xã hội số nhỏ nhất, từ đó, góp phần chuyển đổi số địa phương và đất nước.

Với mục đích hướng dẫn mỗi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động tham gia xây dựng “Làng số” - mô hình kinh tế số, xã hội số từ quy mô nhỏ nhất, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) địa phương và đất nước, từ tháng 01/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt cẩm nang “Làng số” trên các nền tảng số. Đây được xem như cuốn cẩm nang mang nền tảng số đến tận hộ gia đình, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tiện ích, thụ hưởng thành quả do công nghệ số mang lại.

Theo đó chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, ở mọi nơi, mọi lúc, người đọc dễ dàng truy cập vào trang chủ của “Làng số” để cập nhật thông tin, trang bị kiến thức, lựa chọn các giải pháp công nghệ phù hợp cho cá nhân và lựa chọn các nền tảng số được giới thiệu để áp dụng vào thực tế địa phương, gia đình nhằm giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Đồng thời nghiên cứu tham khảo những câu chuyện, mô hình làng số được đăng tải đã khắc họa rõ bối cảnh, cách làm và kết quả cụ thể ở nhiều địa phương khác nhau trên toàn quốc để chắt lọc kinh nghiệm và học hỏi làm theo.

Với cơ quan quản lý Nhà nước, cuốn cẩm nang “Làng số” giúp mang lại cái nhìn tổng thể về việc xây dựng “Làng số” trên cả nước làm cơ sở định hướng xây dựng mô hình “Làng số” phù hợp nhất với địa phương.    

Cẩm nang “Làng số” có gì?

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Làng số ra đời tiếp sau cuốn Cẩm nang Chuyển đổi số, viết về những câu chuyện của người dân bình thường đã tự mình sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống. Mỗi câu chuyện khắc họa con người cụ thể, công việc cụ thể, vấn đề cụ thể, cách làm cụ thể, công cụ cụ thể và kết quả cụ thể. Người dân tự làm để giúp chính mình, sau đó giúp gia đình mình và những người xung quanh, sẽ dần hình thành nên những công dân số, gia đình số, ngôi làng số và quốc gia số.

 

Làng số viết về những câu chuyện của người dân bình thường đã tự mình sử dụng công nghệ số
để giải quyết các vấn đề hằng ngày trong cuộc sống (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ TT&TT)

Làng số giới thiệu khoảng 30 nền tảng số Make in Việt Nam. Mỗi nền tảng số là một viên gạch, hướng tới giải quyết các nhu cầu trong cuộc sống của người dân. Mỗi nền tảng số được giới thiệu giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, tiện ích, thụ hưởng thành quả do công nghệ số mang lại. Mỗi người dân, mỗi làng, dựa trên nội lực, văn hóa, đặc điểm địa phương có thể lựa chọn những viên gạch này để xây dựng nên ngôi làng số của chính mình.

Làng số cũng giới thiệu khoảng 50 câu chuyện điển hình, gắn với hơn 100 con người điển hình, cụ thể. Mỗi làng, mỗi xã sẽ là một cộng đồng khác biệt, vì thế, sẽ không có mô hình làng số phù hợp cho tất cả. Tuy nhiên, từng câu chuyện đều gắn với bối cảnh, cách làm và kết quả để người dân, chính quyền tham khảo, học hỏi, áp dụng để giúp lan tỏa, nhân rộng, từng bước hình thành nên các làng số trên khắp cả nước.

Làng số được xây dựng trên cơ sở các bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; thực tiễn của những người đã và đang trăn trở, đã và đang trực tiếp tham gia hoạch định cơ chế, chính sách, chiến lược và thực thi chuyển đổi số ở cấp cơ sở, cấp làng, cấp xã; với sự chung tay, giúp sức, kế thừa tri thức của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nhân Việt Nam. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có gần 11 nghìn đơn vị hành chính cấp xã, khoảng 29 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Muốn chuyển đổi số nhanh, bền vững, bao trùm thì toàn dân phải cùng nhau vào cuộc.

Tại thời điểm hiện nay, khi kinh tế số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một động lực tăng trưởng của nền kinh tế, việc ra đời Làng số trên các nền tảng số góp phần truyền cảm hứng, trang bị kỹ năng số cho mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, mở ra cơ hội cho mỗi người dân hiểu rõ hơn về cách thức công nghệ số được ứng dụng vào các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, từ đó thay đổi cách họ sống, làm việc, kinh doanh, mua sắm và giải trí.

Truyền cảm hứng phát triển kinh tế số

Thực tế ở Bắc Kạn - một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, bên cạnh việc xây dựng chính quyền số ở cấp xã thì các ứng dụng của kinh tế số và xã hội số cũng đang từng bước được phát triển. Các hộ gia đình nông dân đang từng bước tiếp cận công nghệ, giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm trên các nền tảng xã hội, các sàn thương mại điện tử. Qua thống kê, hiện có 104.933 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 91.881 hộ được đào tạo kỹ năng số; 973 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; 27.176 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đạt tỷ lệ 26% tổng số giao dịch/tổng số tài khoản được tạo trên sàn thương mại điện tử https://voso.vn và https://postmart.vn…

Mỗi người dân, mỗi làng, mỗi xã, mỗi hợp tác xã đều cần một cuốn sách truyền cảm hứng về những ví dụ cụ thể, dễ đọc, dễ làm, và quan trọng nhất là có thể tự làm, để từ đó, tự mình có thể giúp chính mình chuyển đổi số mà không phụ thuộc vào người khác. Những bài học kinh nghiệm của các địa phương trên địa bàn toàn quốc sẽ là cơ sở để tỉnh học tập, ứng dụng vào phát triển kinh tế số tại các địa phương.

Hướng dẫn cách truy cập Cẩm nang Làng số:

1. Phiên bản trực tuyến tại địa chỉ: https://langso.dx.gov.vn

2. Phiên bản trên Facebook: https://www.facebook.com/langso.mic

3. Phiên bản Làng số trên Zalo:

Quét QR Làng số Zalo OA trên Zalo

- Mở ứng dụng Zalo trên điện thoại

- Bấm vào biểu tượng QR

- Quét mã QR của Mini App

 

Nguyễn Nga