Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 26/04/2024 - Lượt xem: 114
Xem với cỡ chữ

Nâng cao nhận thức của người dân về an toàn, an ninh mạng

Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, không gian mạng đã trở nên không thể thiếu đối với đa phần người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, còn có những nguy cơ tiềm ẩn, yêu cầu mỗi người dân phải chủ động nâng cao nhận thức về an ninh mạng, để tự bảo vệ trước các loại tội phạm mạng, không để thiếu hiểu biết dẫn đến vi phạm pháp luật.

Với sự phát triển không ngừng của các dịch vụ internet, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của các kết nối không dây 3G, 4G, 5G, mạng xã hội, các thiết bị di động thông minh, điện toán đám mây... đã khiến không gian mạng trở nên không thể thiếu trong xã hội hiện nay.

Chính điều này đã biến Internet trở thành không gian xã hội mới, nơi con người có thể thực hiện các hành vi mang bản chất xã hội của mình, như giao tiếp, sáng tạo, lao động, sản xuất, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Không gian xã hội đó được gọi là “không gian mạng” hay “không gian ảo”. 

Dù là “không gian ảo” nhưng những giá trị mang lại cho người sử dụng đều rất “thật”, bởi các hoạt động giao tiếp, sáng tạo, lao động, sản xuất, tiêu dùng, học tập, vui chơi giải trí... đều diễn ra không giới hạn cả về không gian và thời gian. Vì vậy mà từ không gian mạng đã nảy sinh không ít những hậu quả khôn lường trong đời sống thật, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung của xã hội. Cụ thể như việc các đối tượng xấu lợi dụng tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành quả cách mạng nước ta; các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kích động bạo lực, đe dọa tinh thần, sức khỏe của người dân. Hoặc khi công tác bảo mật hệ thống mạng không được đảm bảo, các mã độc bị phát tán sẽ tấn công, gây thiệt hại về tài sản của cơ quan, doanh nghiệp...

Để chủ động ứng phó với các nguy cơ này, ngày 23/11/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1907/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025” nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng. Theo đó, những năm vừa qua, tỉnh Bắc Kạn đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng an toàn cơ bản trên không gian mạng cho người dân. Trong đó, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Mục tiêu là giúp mỗi người sử dụng mạng internet có nhận thức đầy đủ hệ thống các quy định về an toàn thông tin mạng, các hoạt động trên mạng xã hội, nhất là những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng năm 2018. Từ đó có kĩ năng an toàn, ứng xử văn minh khi bước vào không gian mạng.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tin, trong năm 2023, cả nước ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 12.846 cuộc tấn công mạng (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022); số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 456.699 địa chỉ (giảm 4,7% so với năm 2022); gần 125.000 nguồn website đã được thiết lập và kết nối, tích hợp với các giải pháp an toàn thông tin mạng. Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia đã chặn 9.073 website vi phạm pháp luật, trong đó có 2.603 website lừa đảo; bảo vệ hơn 10 triệu người dân khỏi truy cập các website vi phạm, lừa đảo trực tuyến.

Tại tỉnh Bắc Kạn, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai giám sát ATTT cho 4 website của tỉnh; thực hiện kiểm tra, đánh giá ATTT cho 18 hệ thống thông tin; tổ chức 01 đợt diễn tập thực chiến cấp tỉnh, 01 đợt tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức ATTT cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT và 01 đợt tập huấn chuyên sâu định kỳ cho thành viên đội ứng cứu sự cố mạng, máy tính của tỉnh.

Tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức ATTT cho đội ngũ cán bộ
chuyên trách CNTT năm 2023

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền về các kênh chính thức của doanh nghiệp viễn thông di động trong quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao. Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng, phát hành “Sổ tay phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng” để tuyên truyền đến 15.000 hộ gia đình trên địa bàn thành phố Bắc Kạn; đăng tải, chia sẻ 37 bài viết 13 về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tội phạm trên không gian mạng đến toàn thể người dân trên địa bàn tỉnh.

Qua theo dõi trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn không xảy ra sự cố
lớn về an toàn thông tin, tuy nhiên qua rà soát của Công an tỉnh đã phát hiện 03 cơ quan, doanh nghiệp có 04 máy vi tính đồng bộ 53 tài khoản, mật khẩu đăng nhập (trong đó có 15 tài khoản công vụ) trên các trình duyệt; phát hiện 06 trang/cổng thông tin điện tử bị tin tặc xâm nhập; các đối tượng đã sử dụng quyền quản trị trang để thay đổi hoàn toàn giao diện trang chủ, đăng tải 34.777 bài viết với nội dung quảng cáo đánh bạc, khiêu dâm, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, uy tín của cơ quan nhà nước.

Do nhận thức chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng người dân bị lừa đảo thông qua sử dụng mạng internet. Mới đây nhất là vụ lừa đảo mua dê trên facebook đã được Công an tỉnh Bắc Kạn triệt phá hay lừa đảo chuyển tiền để nhận quà có giá trị từ nước ngoài gửi về...

Để tham gia môi trường số lành mạnh, cơ quan chức năng khuyến khích người dân  nâng cao hiểu biết, cập nhật về quản lý thông tin và truyền thông như: lướt web; trò chuyện (chat) qua ứng dụng; gửi nhận email…; các kỹ năng về chính quyền số: sử dụng các ứng dụng và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan công quyền để giải quyết các thủ tục phổ biến; cần có các kỹ năng giao dịch số như: mua sắm trực tuyến, ứng dụng ngân hàng, thanh toán điện tử. Song song với các kỹ năng trên chính là kỹ năng đảm bảo an toàn trên môi trường mạng như: tránh lừa đảo, phát hiện các tin tức giả…

An toàn trên không gian mạng được củng cố khi mỗi một người dân thực sự là một công dân số, được trang bị kiến thức để cảnh giác trước các thông tin độc hại, có ý thức ứng xử văn minh trong mọi bối cảnh giao tiếp./.

Nguyễn Nga