Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 08/05/2024 - Lượt xem: 102
Xem với cỡ chữ

Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo: Chú trọng xây dựng CSDL

Trong những tháng đầu năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Đề án 06, trong đó nổi bật là việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành và triển khai học bạ số.

Xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu ngành

Đến nay, Ngành Giáo dục đã hoàn thành xây dựng CSDL về giáo dục mầm non - phổ thông; đã thu thập thông tin của 100% trường học trong cả nước (bao gồm gần 53.000 trường học; 1,6 triệu hồ sơ cán bộ; 24 triệu hồ sơ học sinh mầm non và phổ thông). Ngành cũng đã hoàn thành xây dựng CSDL về giáo dục đại học với 470 cơ sở đào tạo đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 153.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học.

CSDL ngành Giáo dục và Đào tạo được sử dụng thống nhất trên toàn quốc

Song song với việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, việc kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng thực hiện đạt hiệu quả cao.

Đối với CSDL quốc gia về dân cư, từ năm 2022, CSDL ngành giáo dục đã kết nối và xác thực và định danh của hơn 24 triệu giáo viên và học sinh (đạt tỷ lệ gần 98%). CSDL ngành giáo dục cũng đã làm giàu cho CSDLquốc gia về dân cư thông tin giáo dục của hơn 24 triệu công dân.

Đối với CSDL quốc gia về bảo hiểm, CSDL về giáo dục đại học (HEMIS) đã kết nối, đồng bộ dữ liệu về sinh viên đã ra trường (người lao động có việc làm). Đến nay đã kết nối và đồng bộ chia sẻ dữ liệu việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp năm 2022 và gần 7.400 sinh viên tốt nghiệp năm 2023 (ngành giáo dục biết được mã số bảo hiểm của sinh viên ra trường, mức lương bao nhiêu, làm việc trong lĩnh vực gì). Hiện nay các cơ sở đào tạo đang tiếp tục rà soát cập nhật dữ liệu sinh viên ra trường để có báo cáo đánh giá, phân tích tin cậy.

Bên cạnh đó, CSDL về giáo dục đại học cũng đã kết nối với CSDL quốc gia về công chức viên chức, trước mắt để báo cáo dữ liệu về viên chức của các trường ĐH trực thuộc Bộ GDĐT lên CSDL QG về CCVC.

Trên cơ sở dữ liệu sạch, ngành giáo dục đã và đang triển khai hiệu quả các ứng dụng phục vụ người dân (học sinh, GV, nhà trường). Nổi bật là trong năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục để khai thác CSDL ngành giáo dục phục vụ quản lý điều hành của Bộ có hiệu quả.

Bộ GDĐT cũng đưa vào sử dụng chính thức công cụ khai thác dữ liệu dân cư trên Hệ thống CSDL ngành giáo dục nhằm phục vụ các cơ sở giáo dục kiểm tra, xác nhận cho thí sinh về thông tin cư trú (lịch sử thường trú để xác định đối tượng ưu tiên), phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp (không sử dụng giấy xác nhận lịch sử thường trú của công an xã/phường).

Trước đó, từ năm 2022 đến nay, Bộ GD&ĐT đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho phép 100% học sinh (khoảng 1 triệu thí sinh hàng năm) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình phục vụ gần 700,000 thí sinh hàng năm đăng ký các nguyện vọng tuyển sinh vào đại học, thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến và thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.

Việc đẩy mạnh triển khai các ứng dụng trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục (đã được kết nối xác thực với các CSDL quốc gia) phục vụ học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục đã góp phần thúc đẩy việc xây dựng xã hội số trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ.

Thí điểm triển khai học bạ số

Thực hiện Đề án số 06, Bộ GDĐT xác định việc triển khai học bạ số là giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành giáo dục, thúc đẩy phát triển xã hội số, góp phần triển khai có hiệu quả Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa

Việc triển khai Học bạ số mang đến sự minh bạch trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; hướng đến sự tiện dụng trong sử dụng học bạ trong các thủ tục hành chính (không dùng học bạ giấy), góp phần tiết kiệm chi phí và thống nhất, liên thông dữ liệu quản lý học sinh trong giáo dục.

Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số. Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại cấp Tiểu học. Đồng thời đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ đã được phát hành (không thể thay đổi thông tin).

Ngoài ra, học bạ số đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GDĐT, để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.

Giữa tháng 3 năm nay, Bộ GDĐT đã triển khai Hội nghị toàn ngành về thí điểm Học bạ số ở bậc tiểu học trong cả nước. Theo dự kiến, đến tháng 6/2024, Bộ GDĐT sẽ tiến hành tổng kết thí điểm học bạ số để đánh giá, chuẩn bị cho áp dụng Học bạ số chính thức, dự kiến từ năm học 2024 - 2025 này.

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GDĐT, UBND các tỉnh, thành phố cũng cần quan tâm hỗ trợ nguồn lực để ngành giáo dục ở địa phương triển khai Chuyển đổi số toàn diện và mạnh mẽ, trong đó chú trọng việc xây dựng, cập nhật CSDL ngành và triển khai Học bạ số trong thười gian tới…/.

Thu Hiền