Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 41
Xem với cỡ chữ

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2020 (Sipas) đạt 91,3%

Theo thông tin công bố tại Quyết định số 1408/QĐ-UBND ngày 05/8/2020 của UBND tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2020 (Sipas) đạt 91,3%.

Năm 2020 là năm thứ 3 tỉnh Bắc Kạn thực hiện việc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính. Khác với các năm trước, năm 2020, lần đầu tiên việc điều tra xã hội học xác định chỉ số hài lòng được thực hiện bằng hình thức hợp đồng thuê cơ quan độc lập (Bưu điện tỉnh), tạo được sự khách quan và niềm tin của các cơ quan, đơn vị đối với kết quả của việc xác định chỉ số này. Phạm vi đánh giá được thực hiện trên 4 huyện/thành phố và 13 xã, phường, thị trấn đối với 03 lĩnh vực: Tài chính - Kế hoạch; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tư pháp - Hộ tịch và cả 8 huyện/thành phố đối với thủ tục cấp giấy phép xe tập lái và cấp, cấp đổi giấy phép lái xe; các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Môi trường, Đất đai, Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú y, với tổng số phiếu là 1.000.

Qua khảo sát đã xác định được mức độ hài lòng của người dân trên từng yếu tố, tiêu chí chất lượng dịch vụ. Quá trình khảo sát, tổng hợp cũng đã phản ánh chính xác và khách quan những khó khăn mà người dân gặp phải và các nguyên nhân chưa hài lòng đối với từng quy trình cung cấp dịch vụ.

Theo đó, kết quả trung bình của Chỉ số hài lòng của người dân, tổ đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2020 (Sipas) đạt 91,3%.

Nhìn chung kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt được cao hơn so với lần khảo sát của năm 2015 (66,82%) và năm 2018 (80,3%). Điều đó khẳng định sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Kạn trong công tác chỉ đạo điều hành về công tác CCHC đã được người dân và tổ chức ghi nhận. Các chỉ số hài lòng đều đạt trên 80% trở lên, trong đó cao nhất là dịch vụ cấp giấy phép xe tập lái và cấp, cấp đổi giấy phép lái xe (98,4%). Các dịch vụ thuộc lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, tài chính - kế hoạch, lao động, thương binh và xã hội, tư pháp và hộ tịch đạt mức khá tốt (91,2% - 96,3%). Mặc dù thấp nhất so với các lĩnh vực khác được điều tra trong năm 2020 nhưng lĩnh vực đất đai, môi trường đã có chỉ số hài lòng cao hơn khá nhiều so với lần khảo sát của năm trước (chỉ số hài lòng năm 2020 đạt 82,6% so với năm 2018 chỉ đạt 51,2%).

Bảng chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước
trên địa bàn tỉnh năm 2020 theo từng tiêu chí

Như vậy, Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bắc Kạn năm 2020 đã đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy Bắc Kạn đã đề ra (đến năm 2020, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đạt trên mức 80%).

Kết quả điều tra cũng cho thấy còn một số hạn chế cần khắc phục như: Thủ tục hành chính còn rườm rà, người dân phải đi lại nhiều lần, kết quả giải quyết công việc còn chậm. Có 80% người dân được hỏi trả lời mong muốn tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính; 61,25% người dân được hỏi mong muốn rút ngắn thời gian giải quyết công việc; 58,75% người dân được hỏi mong muốn mở rộng các hình thức thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ hành chính công.

Kết quả khảo sát cũng đã phản ánh được mặt mạnh, mặt hạn chế trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố cần tập trung thực hiện các giải pháp để phát huy mặt mạnh, khắc phục hạn chế, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan mình, góp phần nâng cao sự tín nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với cơ quan nhà nước ở địa phương.

Cụ thể, các cơ quan hành chính Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính Nhà nước, trong đó đặc biệt tuyên truyền các quy định, thủ tục hành chính và các loại hình dịch vụ hành chính công mà cơ quan, đơn vị cung cấp đến quần chúng nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Giải pháp quan trọng cần tập trung thực hiện là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rà soát đề nghị cấp có thẩm quyền rút ngắn, loại bỏ các thủ tục không cần thiết; cải cách quy trình, hồ sơ và thẩm quyền. Trong giải quyết thủ tục hành chính cần minh bạch hóa toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp hướng dẫn cụ thể, đầy đủ và rõ ràng cho người dân và tổ chức về quy trình, cách thức thực hiện hồ sơ thủ tục, giải đáp kịp thời, đầy đủ khi khách hàng có vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân.

Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao năng lực giải quyết công việc của công chức, thực hiện quy chế tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công việc.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới các hình thức tiếp nhận, giải quyết tốt các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức; cải thiện thái độ giao tiếp và tinh thần phục vụ của công chức..../.

Nguyễn Nga