Tỉnh Bắc Kạn hiện có 817 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Theo đánh giá của ngành chức năng, nhìn chung các doanh nghiệp hoạt động cơ bản theo Luật Doanh nghiệp; xét theo các tiêu chí quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ thì quy mô doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; khoảng 60% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác khoáng sản.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, luôn nỗ lực thực hiện tốt vai trò của mình trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo số liệu thống kê, khu vực kinh tế tư nhân mỗi năm đóng góp vào 10% GRDP của tỉnh; tổng doanh thu của khối Doanh nghiệp nhà nước ước tính đến hết tháng 12/2020 đạt trên 820 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 75,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng; khối doanh nghiệp ngoài nhà nước tổng doanh thu trên 318 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 25,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, các doanh nghiệp đã chủ động khắc phục khó khăn về tài chính, tìm kiếm thị trường, sắp xếp lại sản xuất, đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng ổn định và phát triển. Một số lĩnh vực đã khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, làm thay đổi bộ mặt sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn non trẻ của tỉnh và đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong giao dịch thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, khai thác đầy đủ, hiệu quả các phần mềm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, trong đó đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, giảm thiểu các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chi phí không chính thức, tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch, thông thoáng, bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Thủ tục đăng ký doanh nghiệp được thực hiện thông qua Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Việc đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp được ngành chức năng quan tâm thực hiện. Theo đó, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đã rút ngắn xuống còn 01 ngày làm việc so với trước năm 2016 là 3 ngày làm việc; thời gian cấp Quyết định chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh được rút ngắn còn 12 ngày so với trước năm 2016 là 16 ngày làm việc; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu từ 30 ngày xuống còn không quá 20 ngày; đăng ký bổ sung tài sản vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp từ 20 ngày xuống còn không quá 14 ngày; cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản từ 90 ngày xuống còn không quá 60 ngày; thẩm định nhu cầu sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn không quá 25 ngày; thời gian phê duyệt trữ lượng khoáng sản rút ngắn từ 185 ngày xuống còn 150 ngày; thời gian cấp phép xây dựng rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; thời gian hoàn thuế còn dưới 117 giờ/năm; thời gian thu nộp BHXH được rút ngắn xuống còn 45giờ/năm; thời gian cấp điện lưới trung áp giảm từ 10 ngày xuống dưới 7 ngày, trung bình thực hiện là 5 ngày.
Theo đánh giá của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, việc đến liên hệ công tác tại các cơ quan hành chính Nhà nước đã thuận lợi, minh bạch hơn và giảm chi phí, thời gian. Kết quả khảo sát năm 2017 của các sở, ban, ngành và địa phương cho thấy hơn nửa số người dân đánh giá hài lòng về toàn bộ quá trình giải quyết TTHC đối với 04 TTHC được khảo sát. Trên cơ sở đó, năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Năm 2019, Trung tâm hành chính công của tỉnh đã đi vào hoạt động, thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, qua đó giảm thời gian doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, nhiều đơn vị để giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Việc thực hiện thủ tục hành chính qua mạng đạt trên 90%; cắt giảm 60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.
Nhằm minh bạch trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính, xử lý nghiêm cán bộ công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã công khai đường dây nóng, hộp thư tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để mọi người dân, doanh nghiệp biết kịp thời phản ánh các bức xúc, khó khăn đến Lãnh đạo tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh cũng đã tổ chức được 11 Hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp và người dân với trên 800 doanh nghiệp, hợp tác xã tham dự; trên 90% các ý kiến, kiến nghị được giải quyết, tỷ lệ trên 65% ý kiến được tiếp thu, qua đối thoại đã giải quyết cơ bản các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, UBND tỉnh đã quán triệt đến UBND các huyện, thành phố hằng năm phải tổ chức ít nhất 01 cuộc đối thoại để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trên địa bàn.
Xác định doanh nghiệp là nền tảng quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành khắc phục những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng cải thiện môi trường đầu tư và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường giữa các loại hình doanh nghiệp...