Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 39
Xem với cỡ chữ

Đánh giá định kỳ mức độ xây dựng Chính quyền điện tử 6 tháng đầu năm 2020

Sở Thông tin và Truyền thông vừa tổng hợp đánh giá định kỳ mức độ xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở 6 tháng đầu năm 2020 nhằm đánh giá thực trạng việc xây dựng Chính quyền điện tử, đồng thời cung cấp thông tin để thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp kịp thời điều chỉnh, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc.

Việc đánh giá chính quyền điện tử được thực hiện trên phần mềm với cả ba cấp: Tỉnh, huyện, xã

Đối với các đơn vị cấp sở, có 7/24 đơn vị được xếp hạng hạng mục điều kiện sẵn sàng, 5/24 đơn vị được xếp hạng hạng mục CQĐT đạt được. Các đơn vị không được xếp hạng do có những nhóm tiêu chí thành phần đạt điểm thấp hơn điểm tối thiểu.Theo đánh giá của Sở TT&TT, các đơn vị đã kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử và ban hành các quy chế quản lý, vận hành mạng nội bộ (LAN) và các phần mềm dùng chung tại đơn vị; quan tâm đầu tư trang thiết bị cơ bản.  Hầu hết các đơn vị đã quan tâm các tiêu chí về sự hiện diện với hoạt động cung cấp thông tin trên trang/cổng TTĐT nhằm minh bạch, công khai thông tin trên Internet; tăng cường sử dụng các phần mềm dùng chung để tương tác với cá nhân, tổ chức trong hệ thống chính quyền cũng như cung cấp dịch vụ ra bên ngoài. Tuy nhiên hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn thông tin (như camera, tường lửa, hệ thống chống sét mạng LAN…) và nhân lực của các đơn vị chưa thật sự đảm bảo là yếu tố cơ bản làm giảm kết quả đánh giá của các đơn vị. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 phát sinh thấp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các đơn vị không đủ điều kiện xếp hạng ở hạng mục chính quyền điện tử đạt được.

Đối với cấp huyện, giống như kết quả năm 2019, đợt đánh giá 6 tháng đầu năm 2020 không có đơn vị cấp huyện nào đủ điểm xếp hạng cả 2 hạng mục. Cụ thể, về hạng mục điều kiện sẵn sàng, chỉ có 1 đơn vị là UBND huyện Ba Bể đủ điều kiện đạt điểm xếp hạng ở mức 4 với 40.6 điểm. Các đơn vị đã quan tâm đến nhóm tiêu chí về môi trường chính sách, nên đã có 2/8 huyện có điểm số đủ điều kiện xếp hạng mức 1 (UBND huyện Chợ Đồn và UBND huyện Pác Nặm), 6/8 đơn vị còn lại đều có điểm số đủ điều kiện xếp hạng mức 2. Nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng thông tin và nhân lực công nghệ thông tin, các đơn vị đều không đạt 70% tổng điểm của cả 2 nhóm tiêu chí này để đủ điều kiện xếp hạng ở Mức 4. Bởi các tiêu chí về trang bị thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn thông tin (như camera, tường lửa, hệ thống chống sét mạng LAN), hạ tầng và nhân lực không đạt yêu cầu tối thiểu nên không được xếp hạng chung.

Xếp hạng mức độ xây dựng chính quyền điện tử cấp huyện 6 tháng đầu năm 2020

Về hạng mục kết quả CQĐT đạt được, cấp huyện có 2 đơn vị là huyện Na Rì và thành phố Bắc Kạn đạt điểm xếp hạng lần lượt là mức 3 và mức 4. Các đơn vị đã chủ động đầu tư về cơ sở hạ tầng đảm bảo nhu cầu làm việc của công chức để phục vụ người dân và doanh nghiệp cụ thể: Tỷ lệ máy tính trên cán bộ công chức, viên chức đạt 100% và 100% máy tính đều được cài đặt phần mềm diệt virus. Các đơn vị cấp huyện cũng đã quan tâm đầu tư hệ thống camera giám sát an ninh, màn hình LED hiển thị lịch công tác hàng ngày, tuần của Lãnh đạo huyện. Đã có 5/8 đơn vị đầu tư màn hình tra cứu TTHC phục vụ người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc Trung tâm hành chính công. Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, cấp huyện còn những hạn chế như: Hệ thống chống sét lan truyền bảo vệ mạng LAN chưa được quan tâm đầu tư, chưa được trang bị đầu đọc mã vạch tra cứu hồ sơ TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc Trung tâm HCC.

Kết quả đánh giá xếp loại 6 tháng đầu năm 2020 cấp xã chỉ có 01 đơn vị đạt điểm xếp loại ở Mức 4 của Hạng mục Điều kiện sẵn sàng (UBND xã Nông Thượng) với số điểm đạt được là 23,72/30 điểm. Hạng mục Kết quả CQĐT đạt được không có đơn vị nào được xếp hạng. Về tổng điểm chung, xã cao nhất đạt 67,10 điểm (tỷ lệ 74,56% tổng điểm). Cơ bản các đơn vị quan tâm các tiêu chí về cơ chế, chính sách như chủ động thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử cấp xã hoặc ban hành Quyết định bổ nhiệm, văn bản phân công Lãnh đạo phụ trách CNTT và cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về CNTT. Kịp thời ban hành các văn bản quy định về tổ chức ứng dụng các hệ thống thông tin và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin nội bộ; hằng năm có ban hành Kế hoạch CNTT nhằm đưa ra các mục tiêu về phát triển và ứng dụng CNTT để triển khai thực hiện. Việc thực hiện các tiêu chí về mức độ tương tác cụ thể việc ứng dụng các phần mềm dùng chung như phần mềm QLVB&HSCV, thư điện tử công vụ và chữ ký số đã tốt hơn.

Tuy nhiên, các tiêu chí về cơ sở hạ tầng thông tin tại cấp xã chưa được quan tâm như Hệ thống chống sét lan truyền bảo vệ mạng LAN, hệ thống tường lửa giám sát truy nhập trái phép bảo vệ an toàn mạng LAN (Firewall), hệ thống camera để giám sát an ninh tại bộ phận một cửa và trả kết quả giải quyết TTHC cũng như các vị trí xung yếu tại trụ sở. Hầu hết UBND cấp xã chưa có phòng họp trực tuyến. Bộ phận một cửa và trả kết quả giải quyết TTHC chưa đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Hạ tầng xã hội như tỷ lệ hộ gia đình có máy tính, có ti vi và có kết nối Internet còn rất thấp.

Từ kết quả đạt được, Sở TT&TT đề nghị các sở, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 21/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh nhằm từng bước xây dựng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của đơn vị trở thành "Công dân điện tử"; tuyên truyền, hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp tương tác với các trang/cổng TTĐT của tỉnh, của đơn vị và với hệ thống phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đối với các sở, ngành, cần chủ động rà soát danh mục dịch vụ công trực tuyến hiện tại của đơn vị (đã được UBND tỉnh công bố tại Quyết định 1964/QĐ-UBND ngày 18/10/2019) để nâng cao mức độ sẵn sàng cung cấp dịch vụ công mức 3, 4 của các cơ quan nhà nước. Để thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cần chủ trì, phối hợp với cấp huyện và xã rà soát danh mục DVCTT mức độ 3, 4 thuộc lĩnh vực cơ quan mình phụ trách. Nhiệm vụ này đã được đưa vào bộ tiêu chí đánh giá Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh và sẽ được Sở Thông tin và Truyền thông đưa vào bộ tiêu chí đánh giá CQĐT sửa đổi.

Đối với UBND cấp huyện, cần quan tâm đến các tiêu chí về giao dịch và chuyển đổi để nâng cao tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và bảo đảm an toàn cho hệ thống mạng nội bộ (LAN) và các trang thiết bị phục vụ người dân và doanh nghiệp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả THCH đảm bảo đáp ứng yêu cầu quy định định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.

Đối với cấp xã, cần quan tâm đến việc đảm bảo an toàn thông tin, cơ sở vật chất phục vụ người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định. Thường xuyên tuyên truyền và chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ…để người dân hiểu về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích nhằm tăng tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến. Yêu cầu công chức giải quyết TTHC thường xuyên cập nhật hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử...

Nguyễn Nga