Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 411
Xem với cỡ chữ

Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Với sự chủ động của từng địa phương, thời gian qua, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và hiệu quả công tác cải cách hành chính ở cơ sở.

Những kết quả bước đầu

Cùng với việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, thời gian qua, việc ứng dụng CNTT ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được quan tâm, triển khai thông qua nhiều phần mềm ứng dụng trong công tác được sử dụng để hỗ trợ hoặc thay thế phương thức làm việc truyền thống. Việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành được coi là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để thực hiện cải cách hành chính và là công cụ hữu hiệu để xây dựng chính quyền điện tử.

Cấp xã cơ bản quan tâm các tiêu chí về cơ chế, chính sách như chủ động thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử cấp xã hoặc ban hành Quyết định bổ nhiệm, văn bản phân công Lãnh đạo phụ trách CNTT và cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về CNTT. Kịp thời ban hành các văn bản quy định về tổ chức ứng dụng các hệ thống thông tin và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin nội bộ; hằng năm có ban hành Kế hoạch CNTT nhằm đưa ra các mục tiêu về phát triển và ứng dụng CNTT để triển khai thực hiện.

Thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, đến nay 108/108 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều duy trì hoạt động tốt phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc TD-Office, có gắn chữ ký số chuyên dùng. So với gửi nhận văn bản giấy trước đây, văn bản đến qua mạng giúp cấp xã nhận được thông tin chỉ đạo từ cấp trên nhanh chóng hơn, từ đó có nhiều thời gian hơn để xử lý công việc được giao. Điều này càng thực sự có ý nghĩa hơn đối với các xã vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn của tỉnh Bắc Kạn, giúp tiến độ giải quyết công việc được nhanh chóng kịp thời, khoa học, giảm thời gian đi lại gửi văn bản đến cấp trên, hiệu quả công việc không ngừng được nâng cao.

Hệ thống thư điện tử công vụ mail.backan.gov.vn được quan tâm chỉ đạo, quán triệt, đưa vào sử dụng tại cấp xã đem lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian xử lý, trao đổi công việc, tài liệu. Hiện nay, hệ thống thư điện tử đã trở thành phương tiện, công cụ ứng dụng không thể thiếu trong công tác của cán bộ công chức cấp xã, hỗ trợ tốt công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo, góp phần tích cực vào cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử.

Phần mềm một cửa điện tử, một cửa liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cũng là ứng dụng quan trọng mà UBND cấp xã đã và đang được thụ hưởng. Đây là phần mềm cho phép quản lý, theo dõi tình trạng tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân tại UBND cấp xã, nhằm chuẩn hóa, thống nhất về quy trình, thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ; công khai, minh bạch quá trình xử lý. Phần mềm còn được kết nối liên thông cho phép chuyển xử lý hồ sơ từ cấp xã lên cấp huyện để quản lý, giám sát quy trình.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Những mặt tích cực mà CNTT mang lại trong quá trình xử lý các thủ tục hành chính, thể hiện rõ qua hiệu quả công việc và mức độ hài lòng của người dân.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng dụng CNTT cấp xã còn nhiều khó khăn
(Ảnh: Giải quyết TTHC cho công dân tại xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới)

Tuy nhiên, thực tế ứng dụng và phát triển CNTT những năm vừa qua cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế gây trở ngại đến quá trình xây dựng nền hành chính điện tử ở cấp xã. Khó khăn lớn nhất hiện nay trong ứng dụng CNTT ở cấp xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa là tình trạng thiếu trang thiết bị. Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, cơ sở hạ tầng thông tin tại cấp xã chưa được quan tâm như chưa có các hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh thông tin như: Hệ thống chống sét lan truyền bảo vệ mạng LAN, hệ thống tường lửa giám sát truy nhập trái phép bảo vệ an toàn mạng LAN (Firewall), hệ thống camera để giám sát an ninh tại bộ phận một cửa và trả kết quả giải quyết TTHC cũng như các vị trí xung yếu tại trụ sở. Hầu hết UBND cấp xã chưa có phòng họp trực tuyến. Bộ phận một cửa và trả kết quả giải quyết TTHC chưa đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Hạ tầng xã hội như tỷ lệ hộ gia đình có máy tính, có ti vi và có kết nối Internet còn rất thấp. Trong khi đó, trình độ CNTT của cán bộ ở cơ sở còn hạn chế, đảm nhiệm nhiều công việc nên không thể cập nhật đầy đủ dữ liệu trên các phần mềm.

Việc nâng cao tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết đến các dịch vụ này còn hạn chế. Nhiều người khi có việc cần giao dịch ở cơ quan, tổ chức cho biết họ cũng nghe nói dịch vụ trực tuyến nhưng cụ thể như thế nào thì lại không nắm được. Hơn nữa, một bộ phận lớn người dân là nông dân, người lao động nên trình độ tin học hạn chế. Nhiều người dân trong tỉnh còn chưa từng được tiếp xúc với máy vi tính chứ chưa nói đến những ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại khác nên việc tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp là không có. Đa số người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện TTHC khi cần.

Nỗ lực cải thiện chỉ số xếp hạng chính quyền điện tử

Dù thế nào đi nữa thì có một thực tế không thể phủ nhận là muốn xây dựng được Chính quyền điện tử thì việc tăng cường ứng dụng CNTT cần phải được gấp rút thực hiện song hành với việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng tin học cho cán bộ cấp xã. Thực tiễn cho thấy, để khai thác hiệu quả lợi ích từ công tác ứng dụng CNTT nói chung và ở cấp xã nói riêng, bên cạnh yếu tố công nghệ, con người là nhân tố then chốt. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt ở UBND cấp xã sẽ tiếp tục cần được chú trọng.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến toàn thể các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của CNTT; đồng thời, huy động rộng rãi các nguồn lực chung tay triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Thường xuyên tuyên truyền và chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ… để người dân hiểu về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích nhằm tăng tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến. Yêu cầu công chức giải quyết TTHC thường xuyên cập nhật hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử.

Ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp quan trọng nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Với sự chung tay vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã thu được những thành quả bước đầu. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Bắc Kạn cần tăng cường hơn nữa việc ứng dụng CNTT ở cấp xã nhằm đẩy nhanh lộ trình xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính công hiện đại, khoa học, phục vụ tốt nhu cầu giải quyết TTHC của công dân./.

Nguyễn Nga