Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 36
Xem với cỡ chữ

Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính

Giai đoạn 2011 - 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Qua đó góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Nhiều giải pháp CCHC

Trên tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã quán triệt các văn bản chỉ đạo về thực hiện công tác cải cách hành chính, tổ chức thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch của Chính phủ và của UBND tỉnh ban hành trong suốt giai đoạn 2011 - 2020, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức các phòng ban, đơn vị trực thuộc. Qua đó, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng tham mưu thực hiện nhiệm vụ.

Để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện cải cách hành chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phân công đồng chí Giám đốc Sở trực tiếp chỉ đạo, theo dõi công tác cải cách hành chính. Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số cải cách hành chính, trong đó xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm, thời gian hoàn thành các tiêu chí thành phần thực hiện CCHC để góp phần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC tại đơn vị.

Bên cạnh đó, Sở cũng ban hành nhiều quyết định, công văn chỉ đạo thực hiện như: Kiểm tra CCHC, hoạt động kiểm soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cải cách tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức, cải cách tài chính công và ứng dụng công nghệ thông tin thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành.

Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư luôn thực hiện đúng quy trình tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành Kế hoạch và Đầu tư; rà soát đầy đủ các văn bản QPPL như: Luật đầu tư công sửa đổi, Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp, luật Quy hoạch, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh, môi trường, đất đai… Qua đó nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để đề xuất, kiến nghị sửa đổi bổ sung lên các Bộ, Ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước được tập trung đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác; từng bước hiện đại hóa trang thiết bị máy móc và phương tiện làm việc nhằm cải thiện điều kiện làm việc và phát huy hiệu quả công tác của cán bộ, công chức. Tất cả các quy trình từ tiếp nhận văn bản đến, chuyển giao phân công xử lý đến phát hành văn bản đi đều thực hiện hoàn toàn qua môi trường mạng  thông qua phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Việc triển khai sử dụng hệ thống, quy trình kiểm tra chất lượng được áp dụng theo tiêu chuẩn ISO. 100% cán bộ công chức thường xuyên sử dụng hộp thư công vụ cá nhân trong trao đổi công việc.

Sở Kế hoạch và Đầu tư hiện có 145 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó có 05/145 thủ tục thực hiện thông qua dịch vụ bưu chính công ích; 60/145 thủ tục đáp ứng thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và 145/145 thủ tục đáp ứng thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. Tất cả thủ tục hành chính của Sở đều được đăng tải công khai, minh bạch trên Cổng Thông tin dịch vụ hành chính công Bắc Kạn để tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết TTHC kịp thời tra cứu và thực hiện quy trình gửi nhận hồ sơ.Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã góp phần kiểm soát được thành phần hồ sơ của các tổ chứccá nhân; kiểm soát được thời gian giải quyết công việc của các bộ phận có liên quan trong quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.

Sở KH&ĐT tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang sử dụng một số phần mềm, ứng dụng để phục vụ cho các lĩnh vực mà ngành quản lý như: Phần mềm Kế toán MISA; quản lý nhân sự; quản lý tài sản cố định; Bảo hiểm xã hội; Giá dự toán…Đồng thời sử dụng một số Hệ thống thông tin chuyên ngành như: Hệ thống thông tin giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước; Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia; Hệ thống thông tin Quốc gia về Đầu tư nước ngoài.

Để CCHC được triển khai đạt hiệu quả, công tác thông tin tuyên truyền về cải cách hành chính được quan tâm đẩy mạnh. Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành kế hoạch tuyên truyền về cải cách hành chính, tuyên truyền qua các hình thức như: Đăng tải trên Cổng TTĐT của Sở và Cổng TTĐT xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Kạn; lồng ghép nội dung tuyên truyền cải cách hành chính vào các buổi họp cơ quan, sinh hoạt chi bộ, công tác phổ biến giáo dục pháp luật... Qua đó, kịp thời phổ biến, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, của tỉnh về các nội dung của cải cách hành chính, góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cải cách hành chính. Riêng trong năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có sáng kiến “Đổi mới hình thức tuyên truyền đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử” qua hình thức Tờ rời. Đây là giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến ở mức độ 4, giảm chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp và có thể  nhận kết quả cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong ngày.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Năm 2019, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Bắc Kạn đạt 62,8 điểm tăng 2,69 điểm so với năm 2018; xếp thứ hạng 59/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2018, thuộc nhóm các tỉnh xếp thứ hạng trung bình trên cả nước. Cụ thể: Có 6 chỉ số thành phần tăng điểm bao gồm: Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý. Có 4 chỉ số giảm điểm gồm: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức. Nhìn chung 10 chỉ số thành phần đều đã đạt mức trên 5 điểm, không còn chỉ số dưới trung bình.

 Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh, trong năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục xác định nâng cao hiệu quả hướng dẫn doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đăng ký kinh doanh qua phương thức trực tuyến, bưu chính công ích; niêm yết, công khai đầy đủ các giấy tờ liên quan đến lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư để giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp; tham mưu tổ chức tốt các cuộc Hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo UBND tỉnh với doanh nghiệp; tiếp tục phối hợp tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; tăng cường quản lý nhà nước đối với các dự án được cấp chủ trương đầu tư, đăng ký đầu tư, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, không có khả năng thực hiện.

Cùng với đó, thường xuyên thực hiện lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp đối với việc đáp ứng các TTHC của đơn vị mình. Tích cực hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, xử lý công việc để hỗ trợ tốt cho công tác CCHC./.

Nguyễn Nga