Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 68
Xem với cỡ chữ

Ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn: Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ

Là tỉnh miền núi với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó giúp giải quyết công việc hiệu quả, tiết kiệm thời gian đi lại cho học sinh, phụ huynh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Giao diện Cổng Thông tin điện tử ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn

Yếu tố then chốt trong đột phá cải cách hành chính của ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn có thể khẳng định đó là việc nhận thức sớm, chọn giải pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả hành chính công. Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm nhằm hiện đại hóa nền hành chính nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực, Sở Giáo dục và Đào tạo từng bước đổi mới, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trước đây, việc thực hiện công tác văn thư, lưu trữ của ngành Giáo dục được thực hiện thủ công, tốn nhiều thời gian, nhân lực với số lượng công văn, giấy tờ lớn, hơn nữa việc tra cứu lại văn bản giấy tờ đã lưu trữ cũng gặp nhiều khó khăn. Từ khi phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD-Office) được đưa vào hoạt động, kết nối giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các đơn vị giáo dục trong ngành, việc trao đổi thông tin, văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành được thực hiện thuận tiện trên môi trường mạng. Đến nay, 100% văn bản đi, đến được trao đổi hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ văn bản mật), 90% văn bản nội bộ trao đổi dưới dạng điện tử, 10% kèm văn bản giấy. 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng tốt việc trao đổi thông tin qua phần mềm, ứng dụng đồng bộ phần mềm trong việc gửi, nhận văn bản. Phần mềm đã giúp việc quản lý văn bản của ngành trở nên thuận tiện, khoa học, dễ dàng tra cứu thông tin chỉ bằng vài thao tác nhỏ trên hệ thống. Hiện nay có trên 95% văn bản đi của Sở được  ứng dụng chứng thư số chuyên dùng. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên triển khai sử dụng chứng thư số chuyên dùng cho các giao dịch điện tử với các cơ quan như: Bảo hiểm xã hội, Kho bạc, Thuế.

Hệ thống thư điện tử của ngành Giáo dục và Đào tạo được xây dựng từ năm 2008, đến nay đã cấp 3.334 hộp thư điện tử cho cán bộ, chuyên viên trong cơ quan Sở, Phòng GD&ĐT và tất cả các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT. Việc duy trì tốt, có hiệu quả hoạt động của hệ thống thư điện tử trong ngành đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi thông tin giữa đơn vị quản lý và cơ sở giáo dục, giúp cho công tác chỉ đạo được nhanh chóng, kịp thời, đạt hiệu quả cao giảm thiểu thời gian và chi phí trong việc quản lý, điều hành.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhờ đó, các giao dịch hành chính đều được bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật, bảo đảm về tiến độ thời gian, số lượng, chất lượng và sự minh bạch trong quá trình tiếp nhận, giải quyết yêu cầu về cải cách hành chính. Các cá nhân, tổ chức có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo không những tiết kiệm thời gian đi lại mà còn có thể giám sát tiến độ, chất lượng giải quyết của Sở, bảo đảm sự hài lòng của người dân và tổ chức.

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo có 73 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó có 32 TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. Từ tháng 8/2019 trở về trước, các TTHC được tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận Một cửa của Sở; từ tháng 9/2019 đến nay, Sở thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Sở GD&ĐT triển khai, áp dụng hiệu quả phần mềm một cửa điện tử trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả hồ sơ TTHC, đồng thời tích cực tuyên truyền, khuyến khích công dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết TTHC. Hàng năm, 100% hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn, trong đó có trên 90% hồ sơ TTHC được giải quyết trước hạn.

Từ cuối tháng 10 năm 2017 đến nay, Sở GD&ĐT triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Hiện nay, 100% TTHC thuộc ngành quản lý được thực hiện từ mức độ 3 trở lên, trong đó đảm bảo có ít nhất 30% TTHC thực hiện mức độ 4. Với việc triển khai thực hiện TTHC mức độ 3, 4, 100% hồ sơ TTHC của Sở đều có thể được tiếp nhận hoặc trả kết quả giải quyết qua dịch vụ BCCI. Hằng năm, có từ 09 đến 11 TTHC trên tổng số 73 TTHC đã triển khai có phát sinh hồ sơ tiếp nhận hoặc trả kết quả giải quyết qua dịch vụ BCCI (chủ yếu là trả kết quả TTHC). Tính từ năm 2017 đến nay có 86/692 hồ sơ TTHC được tiếp nhận qua dịch vụ BCCI, 245/692 TTHC được trả kết quả giải quyết  qua dịch vụ BCCI. Sở GD&ĐT đã thực hiện thăm dò mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công của Sở thông qua phiếu thăm dò và qua các phản ánh, kiến nghị khác. Trong những năm qua, Sở GD&ĐT không nhận được phản ánh hoặc sự không hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công của Sở.

Bắc Kạn thực hiện tuyển sinh đầu cấp năm học 2020 - 2021 dưới hình thức trực tuyến

Bên cạnh việc sử dụng các phần mềm dùng chung, Sở  Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn triển khai, xây dựng phần mềm chuyên ngành như: Phần mềm quản lý trường học (Vnedu) được 100% các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT triển khai, ứng dụng CNTT trong quản lí, điều hành, bước đầu đã xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh về giáo dục và đào tạo phục vụ thông tin quản lý giáo dục. Triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến, kết nối nhà trường với phụ huynh, sử dụng sổ điểm điện tử vn.edu... 100% các trường đã được điện tử hóa các loại sổ sách quản lý bằng phần mềm Vnedu, giúp giảm thiểu được công việc hồ sơ, sổ sách, thống kê của nhà trường.

Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã trang bị hệ thống phòng họp trực tuyến đến các đơn vị trực thuộc Sở, các phòng GD&ĐT. Đến nay, ngành đã thực hiện kết nối đến 27 điểm cầu trong hệ thống giáo dục toàn tỉnh, trong đó các đơn vị trực thuộc là 20 điểm cầu và 08 điểm cầu tai các phòng GD&ĐT. Hệ thống họp trực tuyến thường xuyên được sử dụng trong tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng.

Những năm gần đây, Sở GD&ĐT tiếp tục duy trì, áp dụng, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của Sở nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết công tác chuyên môn, thủ tục hành chính trong công tác cải cách hành chính của Sở, đồng thời giúp lãnh đạo Sở dễ dàng kiểm soát được quá trình xử lý công việc của các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, đề xuất đổi mới phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả quản lý. Năm 2020, Sở GD&ĐT tiến hành chuyển đổi từ hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 sang hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015. Hiện nay, Sở GD&ĐT đang tích cực, chủ động tổ chức triển khai thực hiện các nội dung có liên quan để thực hiện công tác theo kế hoạch.

Sự lan tỏa của công nghệ số đòi hỏi phải cải cách toàn diện, sâu sắc nền hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói riêng. Nắm bắt xu thế của thời kỳ cách mạng 4.0, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn luôn là một đơn vị tiên phong triển khai hiệu quả việc ứng dụng CNTT vào hoạt động. Cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo đang thể hiện hướng đi đúng, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ cũng như của ngành, của  tỉnh về cải cách hành chính, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử, kiến tạo và phục vụ./.

Nguyễn Nga