Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 37
Xem với cỡ chữ

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, làm việc

Năm 2020, trước tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Kạn đã có những chỉ đạo kịp thời thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Riêng với các cơ quan chính quyền, Bắc Kạn đòi hỏi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, làm việc, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, làm việc 

Cùng với cả nước, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của Bắc Kạn đã đẩy mạnh bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hiệu quả làm việc thông suốt. Đây là nền tảng để Bắc Kạn đẩy nhanh hơn tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, từng bước tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhờ hệ thống thông tin chính quyền điện tử tương đối hoàn thiện nên toàn bộ văn bản, giấy tờ có thể giải quyết qua hệ thống một cách nhanh chóng. Theo số liệu thống kê, đến nay toàn tỉnh có 621 đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc bao gồm cả ba khối Đảng, chính quyền và đoàn thể. Trong đó, có 132 đơn vị thuộc khối chính quyền. Hiện tại, 100% văn bản (không mật) trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị từ cấp huyện trở lên đều được gửi bản điện tử và được gắn chữ ký số chuyên dùng đảm bảo giá trị pháp lý. Trong đó, có khoảng 80% văn bản gửi bản điện tử hoàn toàn; 20% văn bản còn lại gửi song song bản điện tử và bản giấy với các văn bản bắt buộc phải gửi bản giấy theo yêu cầu. Với cấp xã, tỷ lệ văn bản gửi bản điện tử hoàn toàn đạt khoảng 50% (do phần lớn văn bản được gửi đến thôn nên bắt buộc phải dùng bản giấy). Qua thống kê trên hệ thống, từ đầu năm 2020 đến ngày 23/9/2020 đã có 1.478.927 văn bản điện tử luân chuyển qua mạng, Việc trao đổi văn bản điện tử góp phần tiết kiệm kinh phí hành chính cho tỉnh, đặc biệt sự chỉ đạo, điều hành nhanh, kịp thời hơn.

Hệ thống phần mềm "Một cửa điện tử, Một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao” được duy trì tốt tại 132 cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã. Hệ thống cung cấp chức năng tiếp nhận, quản lý, lưu chuyển xử lý hồ sơ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa quá trình xử lý hồ sơ dịch vụ hành chính công. Người dân, doanh nghiệp được hưởng những lợi ích từ việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT của các cơ quan, địa phương thông qua thực hiện các giao dịch trực tuyến như: Đăng ký kinh doanh, nộp thuế, nộp bảo hiểm, đổi giấy phép lái xe tại nhà...  Trong 9 tháng đầu năm 2020, đã có hơn 122.000 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trên hệ thống Một cửa điện tử, Một cửa điện tử liên thông và Dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của tỉnh.

Bắc Kạn đã thực hiện kết nối thông qua LGSP từ hệ thống thông tin “Một cửa điện tử, Một cửa điện tử liên thông và Dịch vụ công trực tuyến mức độ cao” của tỉnh đến hệ thống của các bộ, ngành Trung ương. Thông qua hình thức kết nối này, các hệ thống sẽ chia sẻ dữ liệu với nhau, giúp cho cán bộ của các đơn vị không cần nhập lại các dữ liệu trùng lặp; đồng thời, những thủ tục hành chính liên thông như cấp giấy khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi được luân chuyển hồ sơ và quy trình xử lý trực tuyến trên hệ thống.

Đến nay, toàn tỉnh có 49 điểm phục vụ bưu chính tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Năm 2019, 36.862 lượt hồ sơ đã được chuyển phát thông qua dịch vụ này, trong đó có 16.941 lượt hồ sơ được tiếp nhận và 19.741 lượt hồ sơ được trả kết quả. 

Thông qua các ứng dụng CNTT giúp cán bộ, công chức tiếp cận phương thức làm việc mới, giảm chi phí, thời gian và mang lại hiệu quả cao trên cơ sở bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, công việc được giao. Bảo đảm giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến thuộc thẩm quyền xử lý đúng thời gian quy định và hoàn thành các nhiệm vụ khác thông qua các hình thức trao đổi trực tuyến.

Khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành được nhiều cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp lựa chọn. Cách làm này đã và đang mang lại những hiệu ứng tích cực khi vừa bảo đảm hiệu quả công việc, vừa góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bắc Kạn khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp, tổ chức hiểu được các lợi ích liên quan đến việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực, nhằm hạn chế tối đa việc tập trung nơi đông người khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Điều này sẽ không chỉ góp phần giúp người dân tự hoàn thiện các thủ tục tại nhà, phòng, chống lây lan bệnh dịch mà còn góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh lợi ích sử dụng dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tiếp xúc nơi đông người, góp phần phòng, chống dịch Covid-19, người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn mang lại nhiều lợi ích khác như: Tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ thủ tục hành chính; tăng tính minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ hành chính công, góp phần vào tiến trình cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid tại Việt Nam đang từng bước được kiểm soát sau một thời gian bùng phát trở lại kể từ hồi tháng 4/2020. Cùng với các tỉnh/thành phố trên địa bàn cả nước, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tỉnh Bắc Kạn đang tăng cường nâng cao chất lượng các hệ thống chính quyền điện tử, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến để người dân nhanh chóng tiếp cận và sử dụng tốt trong giao dịch thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương./.

 

Nguyễn Nga