Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 42
Xem với cỡ chữ

Chợ Đồn: Kết quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính

Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã tạo điều kiện thuận lợi giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết TTHC của các cơ quan Nhà nước. Công chức chuyên môn có trách nhiệm hơn trong công việc, tránh được các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà cho nhân dân; người dân dễ dàng hơn trong thực hiện quyền giám sát của mình.

Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Quyết định số 2256/QĐ-UBND ngày 25/12/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án thành lập trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Bắc Kạn và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại cấp huyện, cấp xã, Uỷ ban nhân dân huyện Chợ Đồn đã ban hành Quyết định số 563/QĐ-UBND ngày 25/2/2019 về việc thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND & UBND huyện; UBND các xã trên địa bàn huyện cũng đã ban hành các Quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả.

Giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả UBND huyện Chợ Đồn

    Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện được bố trí trụ sở làm việc riêng với cơ sở, vật chất đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cơ bản: Quản lý hồ sơ bằng phần mềm Một cửa điện tử; có Hệ thống lấy số tự động, Hệ thống tra cứu điện tử và Hệ thống camera giám sát bên trong và bên ngoài trụ sở. Ở cấp xã, đã có 10/20 đơn vị bố trí được phòng làm việc riêng cho Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả. Tuy nhiên diện tích hạn chế, trang thiết bị còn thiếu phải dùng chung với các bộ phận chuyên môn như máy in, máy photo, máy scan. Đối với các đơn vị chưa bố trí được trụ sở riêng, các công chức được phân công làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả được sắp xếp ở các phòng gần nhau tạo thành một khu để thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp khi đến giải quyết TTHC.

Quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thực hiện theo đúng Thông tư số 02/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện đã tiếp nhận và giải quyết 643 hồ sơ. Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã đã tiếp nhận và giải quyết 9.560 hồ sơ TTHC.

Thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu chính công ích, UBND huyện thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị tăng cường tuyên truyền cho các cá nhân, tổ chức biết và đăng ký sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong các cuộc họp về công tác cải cách hành chính. Danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ Bưu chính công ích kèm theo Quyết định số 2061/QĐ-UBND ngày 29/10/2019 của UBND tỉnh được niêm yết công khai tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại huyện Chợ Đồn đã góp phần xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, phục vụ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Hồ sơ hành chính của cá nhân, tổ chức đã được các cơ quan, đơn vị tập trung thụ lý, giải quyết với số lượng nhiều hơn, thời gian giải quyết nhanh hơn, giảm bớt số lần đi lại của người dân, hạn chế được các tiêu cực, phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp từ đó tạo sự đồng tình, ủng hộ trong nhân dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn huyện Chợ Đồn còn nhiều khó khăn do công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả kiêm nhiệm thêm công tác chuyên môn nên ảnh hưởng đến quá trình xử lý hồ sơ. Các xã, thị trấn chưa bố trí được trụ sở làm việc cho Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về diện tích và các trang thiết bị cần thiết. Một số quy định hiện hành về giải quyết TTHC vẫn còn chồng chéo, bất cập; quy trình giải quyết của một số TTHC còn rườm rà, phải trải qua nhiều bước, nhiều bộ phận mới có kết quả. Công tác cập nhật kết quả giải quyết TTHC còn chậm, vẫn còn nhiều hồ sơ giải quyết quá hạn.

Bên cạnh đó, phần lớn người dân vùng nông thôn chưa có các thiết bị cần thiết để sử dụng được dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp. Trình độ dân trí chưa cao, người dân còn e ngại sử dụng dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích. Mặt khác, giá sử dụng dịch vụ bưu chính công ích hiện nay còn khá cao, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.

Trong thời gian tới, huyện Chợ Đồn cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và dành ưu tiên các nguồn lực cho việc  thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức, kiểm tra chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm phối hợp trong quy trình xử lý thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giảm bớt tình trạng quá hạn khi giải quyết hồ sơ liên thông. Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo thẩm quyền, tổ chức niêm yết công khai, đầy đủ các thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan, đơn vị trực tiếp giải quyết. Đẩy mạnh công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính, loại bỏ những khâu trung gian, chồng chéo gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức.

Cùng với đó, tăng cường sử dụng hiệu quả các phần mềm một cửa áp dụng chung cho các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp để hỗ trợ hiệu quả cho cán bộ, công chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, tổ chức và công dân về cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, nâng cao nhận thức và trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, đáp ứng yêu cầu giao dịch qua mạng, đem lại hiệu quả trong việc cải cách thủ tục hành chính cũng như tạo thuận lợi tối đa cho công dân./.

Nguyễn Nga