Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 176
Xem với cỡ chữ

Xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả: Ghi tại huyện Na Rì

Thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước đang được huyện Na Rì triển khai thực hiện nghiêm túc và mang lại hiệu quả. Qua đó hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước.

Hiện đại hóa nền hành chính

Theo đánh giá của ngành chức năng, đến nay, tất cả các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã sử dụng tốt phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trong việc quản lý văn đi và văn bản đến. Quá trình tiếp nhận, xử lý văn bản được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống. 100% văn bản (không mật) trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị đều được gửi bản điện tử; trong đó, có khoảng 80% văn bản chỉ gửi bản điện tử, 20% là các văn bản gửi song song bản điện tử và bản giấy theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã sử dụng chữ ký số trong việc ký ban hành văn bản, giao dịch trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, kho bạc, thuế.

Huyện Na Rì giải quyết đúng hạn 99,7% hồ sơ thủ tục hành chính (tính đến ngày 23/11/2020)

Hệ thống phần mềm Một cửa điện tử, Một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được duy trì sử dụng tốt tại các cơ quan chuyên môn thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn. Hệ thống cung cấp chức năng tiếp nhận, quản lý, lưu chuyển xử lý hồ sơ giải quyết TTHC và chức năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa quá trình xử lý hồ sơ dịch vụ hành chính công, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. UBND huyện đã đầu tư xây dựng mới phòng làm việc của Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả đảm bảo diện tích, không gian làm việc theo đúng tiêu chuẩn quy định, được đưa vào sử dụng từ ngày 15/7/2017, trang bị cơ bản đầy đủ các trang thiết bị của bộ phận một cửa gồm: Bàn ghế làm việc, ghế ngồi của người đến giao dịch, điện thoại cố định, quạt, máy tính, máy in, máy scan.... đảm bảo phục vụ tốt các hoạt động giao dịch.

Nhằm đẩy mạnh cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho người dân và doanh nghiệp, UBND huyện đã ban hành Chương trình hành động nâng cao chỉ số cải cách hành chính và các văn bản liên quan để chỉ đạo các cơ quan đơn vị. UBND các xã, thị trấn tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp về tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích.

Để tăng cường sử dụng các phần mềm dùng chung, UBND huyện đã tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao hiệu quả ứng dụng các phần mềm dùng chung cho toàn thể cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn; phối hợp với Hội Nông dân, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện, Huyện đoàn tổ chức tập huấn phần mềm quản lý văn bản cho các ngành, đoàn thể của UBND các xã, thị trấn. Ngoài ra, UBND huyện cử công chức, viên chức tham gia các lớp tận huấn về công nghệ thông tin do UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức; cử lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn và Chủ tịch, Phó Chủ tịch các xã, thị trấn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về ứng dụng chữ ký số. Phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tổ chức các hội nghị triển khai ứng dụng các phần mềm dùng chung sau mỗi lần phần mềm được nâng cấp.

Nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin khi sử dụng các hệ thống phần mềm dùng chung, UBND huyện đã xây dựng Quy chế đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện Na Rì tại Quyết định số 2094/QĐ-UBND ngày 06/7/2020. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn cán bộ, công chức về thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn toàn mạng và cảnh báo cụ thể đối với các sự cố như lỗ hổng trên trình duyệt Chrome; nguy cơ mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom; lỗ hổng, điểm yếu an toàn thông tin nghiêm trọng trong bộ vi xử lý của Intel; khả năng xảy ra tấn công mạng do phát hiện lỗ hổng trên hệ điều hành Windows bị rò rỉ mã nguồn; lỗ hổng an toàn thông tin hệ quản trị nội dung Drupal.

Huyện cũng đã duy trì sử dụng các phần mềm chuyên ngành khác gồm: Phần mềm kế toán; phần mềm quản lý đất đai; phần mềm quản lý hộ tịch; phần mềm quản lý tài chính, công sản. Các phần mềm phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đã được triển khai sử dụng, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, minh bạch trong quản lý tài chính công, hạn chế tiêu cực trong việc sử dụng ngân sách.

Thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, tại huyện Na Rì đã cung cấp wifi công cộng miễn phí  phục vụ người dân và khách du lịch với 4 điểm wifi công cộng, bao gồm: UBND huyện, Huyện ủy, Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện. Hệ thống wifi công cộng đạt yêu cầu về tốc độ, dung lượng và vùng phủ sóng. Các điểm wifi công cộng được đưa vào sử dụng nhằm phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công mức độ cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân.

Nâng cao hiệu quả, chất lượng ứng dụng CNTT

Bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trên địa bàn huyện còn một số hạn chế. Hiện nay, nhiều trang thiết bị CNTT ở các cơ quan, đơn vị đã xuống cấp, lạc hậu, nhiều cơ quan, đơn vị còn sử dụng máy tính cũ, cấu hình thấp, có máy được đầu tư từ những năm 2010 gây khó khăn trong việc khai thác, ứng dụng các phần mềm dùng chung.

Tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trực tuyến và tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích chưa cao. Do việc tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích còn hạn chế; đa phần các tổ chức, cá nhân chưa hiểu biết cụ thể về cách thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nếu biết thì cũng chưa dám thực hiện vì tâm lý e ngại thực hiện không thành công.

Kinh phí đầu tư các thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh thông tin (ATTT) trong xây dựng chính quyền điện tử còn hạn hẹp. Chưa có nhân lực được đào tạo chuyên sâu về ATTT mạng, do đó chưa chủ động trong việc theo dõi, phòng ngừa, phát hiện các nguy cơ mất ATTT, việc triển khai các nội dung về lĩnh vực này còn khó khăn, nhiều hạn chế. Nhận thức về đảm bảo ATTT mạng của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức chưa đầy đủ, còn chủ quan, thiếu kỹ năng và kiến thức trong việc bảo đảm ATTT trên mạng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn, trong thời gian tới, huyện Na Rì xác định đẩy mạnh đầu tư ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động, đảm bảo ngân sách thực hiện duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống, cơ sở hạ tầng.  Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên CNTT trong cơ quan Nhà nước, tạo động lực, nâng cao vai trò, trách nhiệm nguồn nhân lực CNTT, góp phần thực hiện thành công việc ứng dụng CNTT của huyện... Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao tỷ lệ giải quyết TTHC qua dịch vụ công./.

 

Nguyễn Nga