Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 42
Xem với cỡ chữ

Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn: Lấy người dân làm trung tâm

Là tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã quyết tâm, quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.

Để xây dựng thành công chính quyền điện tử, yếu tố quan trọng đầu tiên đó là hạ tầng kỹ thuật CNTT phải được đầu tư một cách đồng bộ và đi trước một bước. Do vậy, trong nhiều năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư kinh phí để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính.  Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã triển khai Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước hướng tới xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn gồm 05 hạng mục: Nâng cấp, triển khai nhân rộng phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; mở rộng hệ thống Thư điện tử tỉnh Bắc Kạn; nâng cấp, mở rộng Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; xây dựng và triển khai phần mềm một cửa, một cửa liên thông và dịch vụ công mức độ cao; xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thông tin cán bộ. Tỉnh đã thành lập và đưa Trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động; xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử, đồng thời xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử theo hướng tập trung, thống nhất để tiếp nhận, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Những nỗ lực này đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và giải quyết công việc chuyên môn hằng ngày tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao năng suất, chất lượng công việc, mang nhiều thuận lợi đến cho người dân và doanh nghiệp. Hàng năm toàn tỉnh có trên 2 triệu văn bản được gửi nhận điện tử thông qua phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Tính sơ bộ tỉnh Bắc Kạn đã tiết kiệm trên 8 tỷ đồng/năm đối với các chi phí về văn phòng phẩm, chưa tính đến các chi phí về thời gian, chất lượng giải quyết công việc được nâng cao. Hiện nay, các tổ chức và cá nhân có thể thực hiện dịch vụ công thông qua nhiều hình thức: Nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3,4; qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc nộp trực tiếp. Hệ thống đã tăng cường minh bạch hóa trong giải quyết hồ sơ hành chính giữa cơ quan nhà nước với người dân, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước...

Danh mục TTHC được cập nhật trên Cổng Thông tin dịch vụ hành chính công Bắc Kạn

Song song với việc đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tỉnh chủ trương chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở các sở, ban, ngành, địa phương, coi đây là giải pháp, công cụ cốt lõi để khắc phục những khó khăn về điều kiện kinh tế để bứt phá vươn lên trong giai đoạn tới. Thay đổi môi trường làm việc từ giấy tờ truyền thống sang môi trường điện tử vốn là công việc khó, phức tạp. Chính vì vậy, hiệu quả của việc ứng dụng CNTT tại từng cơ quan, đơn vị phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm của người đứng đầu. Xác định tầm quan trọng đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện một số giải pháp như: Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu ứng dụng công nghệ thông tin làm việc trên môi trường mạng; phân loại, xếp hạng hàng năm về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính của khối sở, ban, ngành cấp tỉnh và khối UBND các huyện/thành phố.

Với sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, đến nay, nhiều đơn vị gương mẫu đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử. Tiêu biểu như tại Sở Thông tin và Truyền thông, từ lãnh đạo đến chuyên viên đã thực hiện chuyển đổi số, xử lý công việc toàn bộ trên môi trường mạng. Ứng dụng CNTT đã làm thay đổi tư duy và phương thức làm việc theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, làm đơn giản hóa các quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng lực, hiệu quả giải quyết công việc, là cầu nối tương tác quan trọng giữa Chính quyền với người dân và doanh nghiệp làm cho Chính quyền gần dân hơn, minh bạch, trách nhiệm, hiệu quả và được dân tin cậy hơn.

Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ, hoạt ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải tiến môi trường và tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; năng suất lao động và chất lượng công việc tăng lên; chất lượng phục vụ người dân ngày một cải thiện, nâng cao, đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của người dân trong việc giải quyết các TTHC.

Bên cạnh kết quả đạt được, lộ trình xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế. Trong đó việc nâng cao tỉ lệ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn là vấn đề khó khăn do phần lớn người dân và doanh nghiệp chưa có thói quen giao dịch trực tuyến nên thường giao dịch trực tiếp. Những địa phương có đặc thù ở vùng sâu, vùng xa, người dân thậm chí chưa có khả năng tiếp cận thông tin, chưa nói đến sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Trong thời đại “số hóa”, áp dụng công nghệ thông tin là cách tiếp cận hiện đại, rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi. Đầu tư cơ sở vật chất song song với đầu tư đào tạo nhân lực là cách làm phù hợp với yêu cầu thực tại để mọi công việc được thực hiện nhanh hơn, tiện hơn. Để thu hút được người dân sử dụng các hệ thống thông tin và tham gia xây dựng chính quyền điện tử, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn xác định tập trung triển khai ứng dụng CNTT theo nguyên tắc “lấy người dân làm trung tâm”, và đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tận dụng và khai thác tối đa hệ thống hạ tầng và ứng dụng CNTT, viễn thông… để thực hiện truyền thông số, thu hút người dân sử dụng các hệ thống thông tin và tham gia xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh./.

Nguyễn Nga