Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 38
Xem với cỡ chữ

Bắc Kạn tập trung xây dựng chính quyền số

Trên nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm phục vụ, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã chủ động đẩy mạnh số hóa các dữ liệu thông tin, phần mềm quản lý nhằm xây dựng chính quyền số, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp... tạo nền tảng hướng tới chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Chính quyền điện tử là chính quyền tin học hóa quy trình đã có, cung cấp trực tuyến các dịch vụ hành chính công đã có. Chính quyền số là chính quyền chuyển đổi số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi quy trình làm việc, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, nhanh chóng cung cấp dịch vụ công mới. Một trong những thước đo chính của chính quyền điện tử là số lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Còn thước đo chính của chính quyền số là số lượng dịch vụ hành chính công giảm đi, số lượng dịch vụ công mới, mang tính sáng tạo phục vụ xã hội tăng lên, nhờ công nghệ số và dữ liệu.

Chương trình chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp xây dựng đô thị thông minh. Chính quyền số sẽ tích hợp các dịch vụ theo nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp, mở rộng sự tương tác giữa chính quyền và người dân; người dân và doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin một lần vì các cơ quan nhà nước phải chia sẻ dữ liệu với nhau. Chính quyền số chính là tập trung nâng cao hiệu quả của các cơ quan nhà nước, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP), triển khai kho dữ liệu dùng chung, số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền.

Xác định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã tăng cường dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, từ hiện đại hóa hành chính đến nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan đơn vị, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mức độ quan tâm về việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ ngày càng nâng lên, từ đó đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi thói quen làm việc theo phương thức hiện đại. Hạ tầng CNTT của tỉnh được triển khai theo hướng vừa phân tán theo ngành, vừa đồng bộ, tập trung trong tỉnh nhằm đảm bảo việc liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu. Ứng dụng CNTT đã góp phần nâng cao một bậc hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, tạo nên tư duy mới, thói quen làm việc mới, hiện đại cho cán bộ, công chức của tỉnh; nâng cao tính công khai, minh bạch, chia sẻ thông tin của các cơ quan nhà nước.

Cổng Thông tin dịch vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn đáp ứng các yêu cầu giao dịch
thủ tục hành chính của người dân trên môi trường internet

Ứng dụng CNTT do tỉnh triển khai đã từng bước được người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng thông qua việc tìm kiếm thông tin, văn bản trên các trang, cổng TTĐT; nộp hồ sơ giải quyết TTHC trực tuyến; tra cứu tình hình xử lý hồ sơ TTHC sau khi được cơ quan nhà nước tiếp nhận; số lượng hồ sơ nộp trực tuyến qua các DVCTT mức độ 3, 4 ngày càng tăng... Đến nay, tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc đạt 100%, trong đó số lượng văn bản gửi hoàn toàn bằng bản điện tử đạt xấp xỉ 90%.  Năm 2020, hệ thống phần mềm "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 166.049 hồ sơ TTHC (cao hơn năm 2019: 32.247hồ sơ). Tính từ đầu năm 2021 đến ngày 11/5/2021, số lượng  hồ sơ đã tiếp nhận và giải quyết là 56.893 hồ sơ. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh hiện nay có trên 7.000 tài khoản sử dụng. Tỷ lệ sử dụng hòm thư trung bình trong năm 2020 đạt trên 80%.

Hệ thống phần mềm quản lý thông tin cán bộ, công chức, viên chức và lao động Hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP đã được triển khai và duy trì sử dụng tại 146 cơ quan, đơn vị, địa phương. Hệ thống Công báo điện tử của tỉnh đã thực hiện đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, góp phần giảm chi phí in Công báo giấy. Các hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành đã triển khai được duy trì sử dụng tốt: Phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Duy trì CSDL đất đai của tỉnh và các huyện, thành phố; xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu môi trường Bắc Kạn. Hệ thống Công báo điện tử được gắn chức năng ký số và chứng thực ký số...

Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm triển khai thực hiện ngày một tốt hơn, góp phần quan trọng trong việc thay đổi thói quen, phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả, tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc và thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm kinh phí hành chính. Đặc biệt, khi phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, việc ứng dụng CNTT đã giúp duy trì hoạt động ổn định của các cơ quan nhà nước; hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân cũng được diễn ra liên tục nhờ ứng dụng những giải pháp về CNTT như: Dạy học trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính qua DVCTT.

Trên cơ sở kết quả đạt được, nhằm thúc đẩy, hoàn thành tiến trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, giai đoạn 2021 - 2025,  tỉnh Bắc Kạn xác định triển khai các hoạt động chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hoàn thiện nền tảng cơ bản Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Lấy người dân làm trung tâm, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân. Huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng công nghệ số. Hình thành một số dịch vụ đô thị thông minh, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân trên nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng. Nâng cao vị trí xếp hạng chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index), chỉ số Chuyển đổi số của tỉnh lên mức khá so với các tỉnh/thành trên toàn quốc.

Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/4/2021  của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021- 2025 nêu rõ các mục tiêu phấn đấu thực hiện trong giai đoạn tới như: 100% TTHC có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; 50% TTHC của tỉnh thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử;  100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% TTHC thực hiện qua DVCTT được tạo biểu mẫu điện tử để thay thế mẫu đơn, mẫu tờ khai thông thường. Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ giải quyết đạt từ 50% trở lên; 100% hồ sơ TTHC được giải quyết thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)...

Trên nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm phục vụ, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ thực hiện nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin hiện có, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin liên quan nhằm tạo thuận lợi trong quá trình sử dụng. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp DVCTT, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp trên cơ sở tận dụng nguồn tài nguyên, CSDL Trung ương, địa phương; tăng cường tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT; phát huy hiệu quả của chính quyền cơ sở, các đoàn thể và toàn xã hội trong công tác hỗ trợ, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp thay đổi thói quen, hình thức thực hiện TTHC... Ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số; xây dựng/ứng dụng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân…

 Cùng với đó, xây dựng và thực hiện giải pháp, chiến lược phối hợp đào tạo nguồn nhân lực CNTT giữa nhà nước, cơ sở đào tạo CNTT cho tỉnh một cách hiệu quả, bền vững và lâu dài; đồng thời thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp CNTT tham gia hợp tác, đầu tư tại tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNTT trong tỉnh chuyển dịch cơ cấu, hình thức, năng lực phục vụ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm...

Nguyễn Nga