Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 63
Xem với cỡ chữ

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về hiện đại hóa nền hành chính của địa phương trong chương trình tổng thể cải cách hành chính theo từng giai đoạn và hằng năm; đồng thời tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp... là những nội dung quan trọng hàng đầu được nêu tại Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 03/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính. Hạ tầng mạng viễn thông được phủ rộng từ tỉnh đến cơ sở; hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Trung tâm điều hành thông minh, hệ thống một cửa điện tử liên thông, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao ngày càng được nâng lên về chất lượng và hiệu quả.

Chuyển đổi số là cơ hội để Bắc Kạn bứt phá vươn lên (Ảnh: Một góc đô thị TP Bắc Kạn)

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn hạn chế như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước hiệu quả chưa cao, hệ thống ứng dụng chuyên ngành chưa kết nối để trao đổi dữ liệu và liên thông nghiệp vụ; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh nói chung, dịch vụ công trực tuyến nói riêng còn thấp, chưa hình thành lực lượng “Công dân điện tử” trong  xã hội. Cơ chế, chính sách về đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu...

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt một số nội dung cụ thể. Trong đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về hiện đại hóa nền hành chính của địa phương trong chương trình tổng thể cải cách hành chính theo từng giai đoạn và hằng năm; đồng thời tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên; lồng ghép nội dung chuyển đổi số vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm.

Chỉ thị số 09-CT/TU cũng nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và gắn nhiệm vụ chuyển đổi số với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số theo hướng toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số một cách có kiểm soát. Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số, tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh.

Rà soát  thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện để xem xét, ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.

Nghiên cứu bố trí nguồn lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, số hóa dữ liệu. Tập trung chỉ đạo, triển khai số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động của cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội bảo đảm tập trung, đồng bộ, chia sẻ liên thông và an toàn thông tin. Hình thành cơ sở dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác thuận lợi.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, phát triển nguồn nhân lực về chuyển đổi số để trở thành lực lượng nòng cốt tham mưu về chuyển đổi số. Hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cũng như tham gia các hoạt động trong cuộc sống số hiện đại.

Nâng cao nhận thức, tăng cường đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, an toàn dữ liệu; có biện pháp, giải pháp phòng, chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, xâm nhập khai thác dữ liệu trái phép.

Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân trong tích cực hưởng ứng chương trình chuyển đổi số tại địa phương./.

 

Nguyễn Nga