Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 39
Xem với cỡ chữ

Xây dựng chính quyền điện tử: Nền tảng vững chắc cho xây dựng chính quyền số

Giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ được tỉnh Bắc Kạn quan tâm chỉ đạo sát sao. Hiệu quả, hiệu lực công tác lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Nhà nước không ngừng được nâng lên, người dân và doanh nghiệp thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch với cơ quan Nhà nước. Tiếp nối những thành công này, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Xây dựng chính quyền điện tử: Bước đệm của chính quyền số

Chính phủ điện tử là Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Trong khi đó, Chính phủ số là Chính phủ đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu. Xây dựng chính phủ số là quá trình chuyển đổi số của Chính phủ.

Chính phủ số là cấp độ tiếp theo của chính phủ điện tử. Ở đó, mọi thứ được số hóa. Các nền tảng cho phép làm việc thông minh và hiệu quả hơn. Bộ máy trở nên minh bạch. Các quyết định được hỗ trợ định lượng. Nhiều loại hình dịch vụ mới được cung cấp.

Đặc biệt, Chính phủ số được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã thì được gọi là chính quyền số. Tuy cùng bản chất nhưng chính quyền số liên quan đến các nhiệm vụ địa phương và trực tiếp với người dân.

Theo kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính phủ số, chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thì khung nội dung kế hoạch phát triển chính quyền số cấp tỉnh, gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển hệ thống nền tảng; phát triển dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin và phát triển nguồn nhân lực.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử với nhiều kết quả đáng ghi nhận.  Mạng lưới viễn thông đã kết nối thông suốt 3 cấp phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương,  đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp. 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương có kết nối internet tốc độ cao; Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được duy trì hoạt động tại 9 điểm cầu. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Năm 2019, UBND tỉnh đã tiếp nhận nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ trong điều kiện tỉnh chưa bố trí được nguồn đầu tư. Đến nay, hệ thống LGSP đã kết nối hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Một cửa điện tử liên thông và Dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của tỉnh đến 5 hệ thống thông tin của các Bộ, ngành Trung ương và hệ thống thanh toán trực tuyến Paygov do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai, đảm bảo việc thực hiện thanh toán điện tử cho các dịch vụ công trực tuyến.

 Cũng trong giai đoạn này, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ 6 hệ thống phần mềm dùng chung gồm: Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Hệ thống Thư điện tử công vụ của tỉnh; Hệ thống phần mềm "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; Các Trang, Cổng thông tin điện tử chuyên ngành; Hệ thống phần mềm quản lý thông tin cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo Hợp đồng 68; Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Những kết quả mang lại từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử đã bước đầu đã làm thay đổi cách thức làm việc của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh từ phương thức thủ công sang môi trường điện tử, các nhiệm vụ được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đồng bộ hơn. Từ đó, mục tiêu xây dựng quyền điện tử của tỉnh dần được hình thành, giúp thực hiện CCHC, nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn phục vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho công dân

Xây dựng chính quyền số: Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2021 - 2025

Trên nền tảng chính quyền điện tử giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn tới, tỉnh xác định phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số nhằm chuyển đổi hoạt động quản lý điều hành của chính quyền dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số, tạo cơ sở xây dựng nền hành chính hiện đại, đổi mới phương thức phục vụ, bảo đảm gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính…, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. 

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Kạn xác định triển khai các hoạt động chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tập trung hoàn thiện nền tảng cơ bản Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Lấy người dân làm trung tâm, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân. Huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng công nghệ số. Hình thành một số dịch vụ đô thị thông minh, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân trên nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.

Việc phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số nhằm chuyển cơ bản hoạt động của chính quyền lên môi trường điện tử, môi trường số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin, xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu dùng chung của tỉnh làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số.

Đảm bảo thực hiện được mục tiêu trên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước được thực hiện đồng bộ ở cả ba cấp: Tỉnh, huyện, xã; hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, hệ thống nền tảng chính quyền điện tử từng bước được hoàn thiện. 

Theo Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025,  một trong các nội dung tập trung phát triển chính quyền số là chú trọng vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt.  Duy trì, nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm dùng chung trong hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng các phần mềm và cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tăng cường xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, tích hợp với Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn). Kho dữ liệu tạo lập trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, có kết nối liên thông/chia sẻ với CSDL các bộ ngành và CSDL quốc gia. Đảm bảo việc quản lý tập trung, khai thác linh hoạt các dữ liệu phục vụ các báo cáo, giúp đưa ra các hoạt động chỉ đạo, điều hành hiệu quả của cơ quan nhà nước, cung cấp dữ liệu tin cậy đến người dân, doanh nghiệp.

Người dân đóng vai trò quan trọng trong phát triển chính quyền số. Kết quả cuối cùng và quan trọng nhất của chính quyền số là cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Trên nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm phục vụ, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục thực hiện nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin hiện có, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin liên quan nhằm tạo thuận lợi trong quá trình sử dụng. Cùng với đó, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp trên cơ sở tận dụng nguồn tài nguyên, CSDL Trung ương, địa phương; tăng cường tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC trên môi trường mạng. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phát huy hiệu quả của chính quyền cơ sở, các đoàn thể và toàn xã hội trong công tác hỗ trợ, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp thay đổi thói quen, hình thức thực hiện TTHC. Triển khai tập trung Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội, chính quyền điện tử, Chính quyền số để kịp thời giải đáp, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp…

Nguyễn Nga