Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 40
Xem với cỡ chữ

Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn: 1 năm nhìn lại

Năm 2021, ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử luôn được tỉnh Bắc Kạn xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của tất cả các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh. Làm việc trên môi trường mạng cũng là giải pháp hiệu quả giúp đảm bảo an toàn, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19 trên địa bàn.

Năm 2021, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục duy trì sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ từ năm 2019. Tỉnh đã triển khai kết nối thành công đến 3 cơ sở dữ liệu (CSDL)/hệ thống thông tin có phạm vi từ trung ương đến địa phương. Trong đó có CSDL quốc gia về dân cư phục vụ việc xác thực thông tin công dân trong giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, kết nối và đưa vào khai thác sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Đây là dịch vụ rất quan trọng, phục vụ đắc lực cho việc tăng cường sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 và từng bước tạo lập hệ thống CSDL điện tử cho người dân. Đến nay, 100% huyện/thành phố, xã, phường, thị trấn và sở Tư pháp có cán bộ chuyên môn được cấp quyền sử dụng dịch vụ này thông qua tài khoản đăng ký trên hệ thống Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tỉnh cũng đã thực hiện tích hợp dịch vụ công của tỉnh lên hệ thống thanh toán trực tuyến Paygov của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cũng trong năm 2021, tỉnh đã triển khai xây dựng mới 03 hệ thống CSDL gồm: CSDL về đa dạng sinh học, CSDL về văn bằng chứng chỉ, CSDL về du lịch. Đồng thời, tiếp tục duy trì, cập nhật dữ liệu cho các CSDL đã triển khai, như: CSDL về cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng; CSDL hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử người dân; CSDL quy hoạch xây dựng tỉnh.

 Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD-Office) được triển khai đến 100% cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể ở cả 3 cấp và triển khai đến nhiều cơ quan, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn như Bảo hiểm xã hội, Cục thuế, Cục thống kê... Năm 2021, hệ thống được mở rộng đến 100% các trường học trên địa bàn tỉnh. Hiện có tổng số 1.476 đầu mối đơn vị sử dụng. Hệ thống đảm bảo liên thông gửi - nhận văn bản 4 cấp qua trục liên thông văn bản quốc gia. Từ đầu năm đến nay, đã có trên 3 triệu văn bản được gửi nhận qua phần mềm, trong đó, có trên 20 nghìn văn bản được gửi đến các cơ quan, đơn vị ngoài tỉnh qua trục liên thông văn bản. Tỷ lệ trao đổi văn bản hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 90 % đối với cấp tỉnh và khoảng 60% đối với cấp xã. Nhìn chung, việc sử dụng văn bản điện tử đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương tiết kiệm thời gian, chi phí văn phòng phẩm và cước phí gửi văn bản (số kinh phí tiết kiệm ước đạt trên 15 tỷ đồng).

Hệ thống "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được duy trì sử dụng tại 132 đơn vị. Năm 2021, hệ thống tiếp nhận và xử lý trên 70 nghìn hồ sơ TTHC. Thực hiện Kế hoạch cung cấp tối đa dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, năm 2021, tỉnh đã thực hiện ban hành danh mục, rà soát và cấu hình trên hệ thống các DVCTT mức độ 3, 4. Đến giữa tháng 11/2021, tỉnh có 1.286 DVCTT mức độ 4, đạt tỷ lệ 77% và 94 DVCTT mức độ 3, đạt tỷ lệ 6% (tỷ lệ cung cấp DVCTT mức độ 4 tăng lên 20% so với năm 2020). Tỷ lệ hồ sơ DVCTT cũng tăng lên so với năm trước: Tổng số hồ sơ trực tuyến đã phát sinh là: 27.725 hồ sơ, đạt tỷ lệ 18,61% (tỷ lệ này của năm 2020 là 7,9%).

Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích tiếp tục được duy trì sử dụng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 48 điểm phục vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại, giảm phiền hà cho người dân trong giải quyết TTHC nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Năm 2021, số lượng hồ sơ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI đạt 84.772 hồ sơ, trong đó, tiếp nhận 19.575 hồ sơ và chuyển trả 65.197 hồ sơ. 

Hệ thống thư điện tử công vụ được triển khai chung cả tỉnh, cho đến nay hệ thống đã cấp trên 7.000 tài khoản. Trong năm 2021, tỷ lệ sử dụng hòm thư trung bình trong tháng đạt trên 85%, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đã có thói quen chỉ sử dụng thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc chuyên môn.

Hiện nay 100% cán bộ, công chức lãnh đạo các cơ quan nhà nước, Ủy ban MTTQ và các hội, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp xã được cấp chứng thư số chuyên dùng đảm bảo tính pháp lý, an toàn dữ liệu trong việc ký số và trao đổi văn bản điện tử, các giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. Theo đó, tổng chữ ký số chuyên dùng được cấp đến nay là 4.645 chứng thư (1.154 chứng thư số tổ chức và 3.491 chứng thư số cá nhân).

Thực hiện nhiệm vụ triển khai các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh COVID 19, tỉnh đã chủ động thành lập Tổ công nghệ Covid 19 của tỉnh; chỉ đạo triển khai việc sử dụng mã QRCode tại các điểm công cộng nhằm ghi nhận thông tin người vào/ra các hệ thống; triển khai sử dụng nền tảng tiêm chủng...  Đến nay, số thiết bị cài đặt ứng dụng PCCovid của tỉnh là trên 69 nghìn, đạt tỷ lệ 33,3% số điện thoại thông minh và ước tính đạt trên 22,3% dân số tỉnh. Tỉnh cũng đã triển khai Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 tỉnh Bắc Kạn trên 02 phiên bản: Web và thiết bị di động, giúp hỗ trợ và cung cấp thông tin cho người dân về tình hình dịch covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 tỉnh Bắc Kạn có địa chỉ https://covidmaps.backan.gov.vn
 cung cấp thông tin chi tiết về tình hình dịch bệnh tại tỉnh

100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố có trang/cổng thông tin điện tử và hoạt động ổn định. Ngoài ra, còn nhiều trang tin chuyên ngành cũng được quan tâm triển khai. Việc cung cấp thông tin trên các trang, cổng thông tin điện tử ngày càng được quan tâm, kịp thời và đầy đủ hơn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ minh bạch hóa thông tin, công khai hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Trong năm, đã có 30 Trang/cổng thông tin điện tử được gán nhãn tín nhiệm mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp và các cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương về thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thông qua các hoạt động như: Ký hợp đồng tuyên truyền với các Huyện đoàn/thành đoàn; duy trì hoạt động chuyên trang chính quyền điện tử tỉnh; chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, các trang, cổng thông tin điện tử thực hiện tuyên truyền; xây dựng phóng sự truyền hình tuyên truyền, xuất bản cuốn Sổ tay tuyên truyền về xây dựng Chính quyền điện tử và Chuyển đổi số ...

Những kết quả đạt được trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn thời gian qua đã đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo các điều kiện sẵn sàng làm việc trực tuyến, phòng chống dịch bệnh covid 19. Với quyết tâm chính trị rất cao, đồng bộ triển khai ở các cấp, các ngành, đơn vị trong những nhiệm vụ cụ thể, tin tưởng rằng nhiệm vụ Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số tỉnh Bắc Kạn sẽ sớm đạt được kết quả đáng mong đợi theo lộ trình đã đề ra./.

 

Nguyễn Nga