Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 41
Xem với cỡ chữ

Phát triển cơ sở dữ liệu số: Nền tảng của chính quyền số

Cùng với các địa phương trong cả nước, thời gian qua, song song với việc duy trì hiệu quả các ứng dụng dùng chung đã được triển khai, tỉnh tiếp tục phát triển thêm các cơ sở dữ liệu mới đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số

Từ năm 2012, tỉnh đã triển khai nhiệm vụ số hoá kho dữ liệu về tài nguyên và môi trường để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và để lưu trữ theo quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn. Hiện nay, cơ sở dữ liệu (CSDL) tiếp tục được mở rộng, cập nhật thường xuyên. CSDL đất đai được duy trì hoạt động với 04/08 huyện, thành phố gồm: Ngân Sơn, Chợ Đồn, Na Rì và thành phố Bắc Kạn. Các nghiệp vụ chuyên môn về quản lý đất đai được thao tác và xử lý trực tiếp trên phần mềm. CSDL đất đai được đưa vào hoạt động đã phục vụ tốt công tác chỉnh lý biến động đất đai, cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai nhanh gọn, chính xác. Hiện tại, tỉnh đang thực hiện việc khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng CSDL đất đai đối với 04 huyện còn lại, dự kiến đến năm 2023 hoàn thành việc xây dựng CSDL đất đai của 08/08 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

CSDL môi trường được đưa vào hoạt động từ năm 2020 đáp ứng các yêu cầu quản lý, khai thác sử dụng, cập nhật dữ liệu môi trường; tạo lập được bộ CSDL môi trường thống nhất từ việc chuẩn hóa, đồng bộ; kiểm soát ô nhiễm môi trường và các tai biến thiên nhiên; phổ biến thông tin dữ liệu môi trường tỉnh Bắc Kạn đến nhiều đối tượng sử dụng; triển khai CSDL và Hệ thống hệ thống tiếp nhận, quản lý số liệu quan trắc tự động, liên tục nước, khí thải trên địa bàn tỉnh để tiếp nhận thông tin dữ liệu môi trường từ các cơ sở sản xuất phục vụ công tác kiểm soát, giám sát môi trường kịp thời phát hiện ô nhiễm để có biện pháp xử lý, đồng thời truyền tải thông tin dữ liệu về trung ương.

Năm 2019, phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ được đưa vào sử dụng, đồng thời tích hợp với phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc để thực hiện việc kết nối và chuyển các hồ sơ văn bản phải lưu trữ theo quy định sang hệ thống quản lý hồ sơ lưu trữ điện tử. Không phải bận tâm khi số lượng hồ sơ nhiều lên theo thời gian, không phải đau đầu mỗi khi tìm kiếm một bộ hồ sơ, cũng không cần cất công đến kho tài liệu mỏi mắt tìm kiếm nữa, tất cả sẽ được giải quyết khi hồ sơ lưu trữ được số hóa và cập nhật lên phần mềm. Từng bước hiện thực hóa mục tiêu trên, bên cạnh việc xây dựng lộ trình số hóa hồ sơ tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 797/KH-UBND ngày 31/12/2020 về số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, địa phương giai đoạn 2020 - 2025, hiện đã có 20 sở, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

Cũng trong năm 2019, Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng của tỉnh được đưa vào sử dụng với 146 đơn vị, đến nay đã cập nhật được trên 12.000 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, dữ liệu này được tạo lập tương đối hoàn chỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại, là một trong những cấu phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.

Sổ liên lạc điện tử được ứng dụng tại các trường học trên địa bàn

Hiện nay, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đã được điện tử hóa các loại sổ sách quản lý (kế hoạch dạy học, thời khóa biểu, sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc, quản lý xét tốt nghiệp THCS, thi và xét tuyển sinh vào lớp 10, thi nghề phổ thông, thi chọn học sinh giỏi các cấp...) bằng phần mềm, giúp giảm thiểu được hệ thống hồ sơ, sổ sách giấy, thống kê của nhà trường, tạo lập được CSDL thông suốt trong ngành.  Ứng dụng CNTT vào công tác sổ sách, hồ sơ như sổ liên lạc điện tử, giáo án điện tử, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ chủ nhiệm… giúp giáo viên giảm bớt công việc không tên. Số hóa ngành Giáo dục và Đào tạo được kỳ vọng sẽ triệt tiêu tiêu cực trong học tập, thi cử, đồng thời giúp phụ huynh theo dõi, đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục trẻ.

Thời gian qua, CSDL quản lý giấy phép lái xe được thường xuyên cập nhật để tạo điệu kiện cho cán bộ, người dân và cơ quan quản lý giao thông thuận tiện trong việc tra cứu thông tin, xử lý vi phạm. Hệ thống được kết nối CSDL với 02 cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh và kết nối đồng bộ dữ liệu với Tổng Cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh. Trong năm 2021, hệ thống đã cập nhật 2.754 hồ sơ cấp đổi, 4.263 hồ sơ cấp mới giấy phép lái xe.

CSDL về giá được Sở Tài chính Bắc Kạn duy trì quản lý, sử dụng. Trong năm 2021, 07 Sở và 8 huyện/thành phố đã duy trì sử dụng và cập nhật thông tin dữ liệu về giá của các lĩnh vực được giao trên địa bàn tỉnh vào hệ thống.

Hệ thống Quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân hiện được duy trì triển khai tại 129 đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2021, hệ thống này đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19, cập nhật và hiển thị kịp thời thông tin, dữ liệu liên quan đến tiêm chủng cho người dùng.

CSDL công chứng đã được triển khai cho các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn quản lý, khai thác, sử dụng tương đối hiệu quả. CSDL quy hoạch xây dựng đã hoàn thiện số hóa 9/9 Đồ án quy hoạch chung, các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch nông thôn mới dạng GIS. CSDL GIS bước đầu được đưa vào quản lý, khai thác sử dụng trong công tác công bố thông tin quy hoạch. Hiện tại, Sở Xây dựng đang tiếp tục cập nhật vào CSDL các đồ án được phê duyệt điều chỉnh trong giai đoạn 2016-2022.

Năm 2021, tỉnh đã triển khai xây dựng mới 03 hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) gồm: CSDL về đa dạng sinh học; CSDL về văn bằng chứng chỉ; CSDL về du lịch. Đồng thời, tiếp tục duy trì, cập nhật dữ liệu cho các CSDL đã triển khai.

Có thể khẳng định rằng, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) số là yếu tố trọng tâm để phát triển chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp.  Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số của Việt Nam xác định rõ nhiệm vụ xây dựng dữ liệu có phạm vi toàn quốc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển dữ liệu trong các lĩnh vực quan trọng như: hạ tầng không gian địa lý; bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội; tài chính; căn cước; hộ tịch; giáo dục; đào tạo; cán bộ công chức, viên chức; nông nghiệp; lao động, việc làm; phương tiện giao thông, xây dựng, xuất nhập khẩu. Đồng thời, cũng phát triển các CSDL chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương. 

Bắt kịp với xu thế chuyển đổi số của cả nước, việc xây dựng cơ sở dữ liệu số sẽ tiếp tục được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn./.

Nguyễn Nga