Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 47
Xem với cỡ chữ

Chuyển đổi số năm 2022: Đẩy mạnh phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam

2022 được xác định là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện với định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam.

6 định hướng về phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam

Nếu như coi 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch thì năm 2022 được xác định là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.

Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.

Theo đó, các bộ ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung vào 6 định hướng cơ bản, quan trọng trong năm 2022, đó là:

Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể;

Phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, trong đó chú trọng hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện các môn học về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm; Phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện;

Phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng; Phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến do cơ quan chính quyền các cấp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp; Phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia

Trên cơ sở định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số năm 2022, Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã được phê duyệt (Quyết định 186/QĐ-BTTTT ngày  11/02/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông) với quan điểm xác định “Nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là nắm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực”.

Thông qua việc thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia nhằm hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Việc thúc đẩy xây dựng và phát triển các nền tảng số quốc gia sẽ góp phần tập hợp các doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc, có tiềm lực tập trung đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia làm nòng cốt để hình thành mạng lưới các nhà phát triển nền tảng số Việt Nam và mạng lưới hỗ trợ triển khai nền tảng số đông đảo, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở.

Mục tiêu lâu dài hơn là tạo lập được nền tảng số Việt Nam xuất sắc đủ sức cạnh tranh với các nền tảng số phổ biến quốc tế, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, từ đó vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố lần thứ nhất danh mục gồm 35 nền tảng số quốc gia sẽ ưu tiên tập trung phát triển trong thời gian tới. Trong đó:

20 nền tảng số quốc gia do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội, gồm các nền tảng quan trọng như: Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ; nền tảng địa chỉ số; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước;…

15 nền tảng số quốc gia do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội như: Nền tảng điện toán đám mây doanh nghiệp; nền tảng trí tuệ nhân tạo; nền tảng mạng xã hội thế hệ mới; nền tảng sàn thương mại điện tử;…

***

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn cần phối hợp với các doanh nghiệp nòng cốt, các bộ ngành Trung ương là cơ quan chủ quản các nền tảng số quốc gia để thúc đẩy phát triển và đưa các nền tảng số quốc gia vào sử dụng. Đồng thời, cần đánh giá và xác định rõ các nền tảng số quốc gia phù hợp để có giải pháp quyết liệt chỉ đạo việc sử dụng các nền tảng số dùng chung trên địa bàn tỉnh; kết nối mở, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, cơ sở dữ liệu của địa phương với các nền tảng số quốc gia nhằm đồng bộ, liên thông, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số, góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số./.

Thu Hiền