Kế hoạch số 265/KH-UBND ngày 24/5/2022 của UBND tỉnh triển khai thí điểm Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nhằm triển khai có hiệu quả nền tảng số, công nghệ số đến từng ngõ ngách, gắn với cuộc sống của người dân. Đây cũng là nội dung cụ thể hóa việc thực hiện Công văn 793/BTTTT-THH được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) gửi đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc, hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, thực tế triển khai thời gian vừa qua cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo để giúp người dân chuyển đổi số, trong đó có sáng kiến thành lập "Tổ công nghệ số cộng đồng".
Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực. Trên cơ sở thực tế triển khai, Bộ TT&TT đã xây dựng Hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng.
Thành lập thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và Tổ công nghệ số cộng đồng thôn/tổ phố
Tại tỉnh Bắc Kạn, sẽ thực hiện thành lập thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và Tổ công nghệ số cộng đồng thôn/tổ phố trong thời gian 03 tháng, từ ngày 01/5- 31/7/2022.
Theo đó, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn lựa chọn, ban hành Quyết định thành lập thí điểm 01 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thành phần gồm: Tổ trưởng là Bí thư Đoàn thanh niên cấp xã. Tổ phó 01 đồng chí đang công tác trên địa bàn cấp xã có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số (ví dụ: Công an, cán bộ, công chức đang công tác tại các đoàn thể trong xã,…). Các thành viên là những người hiện đang sinh sống, công tác trên địa bàn cấp xã có lòng nhiệt tình hoạt động cộng đồng, có tư duy muốn chấp nhận và thử nghiệm cái mới, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số (ví dụ: Công an, cán bộ, giáo viên, y tế, đảng viên đương chức đang công tác tại các đoàn thể trong xã, nhân viên của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, người dân có khả năng sử dụng các nền tảng số, công nghệ số,…).
Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn lựa chọn, ban hành Quyết định thành lập thí điểm 01 Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, thành phần gồm: Tổ trưởng là trưởng thôn. Tổ phó là Bí thư Chi Đoàn thanh niên thôn. Các thành viên là những người hiện đang sinh sống, công tác trên địa bàn thôn có lòng nhiệt tình hoạt động cộng đồng, có tư duy muốn chấp nhận và thử nghiệm cái mới, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.
Giúp người dân tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu thực tế
Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện theo sự hướng dẫn, điều phối chung của Sở Thông tin và Truyền thông, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại địa bàn trong việc hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân; tham gia hiệu quả vào Mạng lưới công nghệ số cộng đồng trên phạm vi toàn quốc do Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối chung.
Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu
Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ thực hiện thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, tổ dân phố; lắng nghe, tổng hợp ý kiến người dân về chuyển đổi số; khảo sát, thống kê thông tin, số liệu trong nhân dân.
Về chính quyền số, Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ trực tiếp hỗ trợ cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai các phần việc cụ thể về chuyển đổi số trên địa bàn; hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn.
Về kinh tế số, Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn”,…; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Về xã hội số, Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số.
Tổ Công nghệ số cộng đồng được quản lý dựa trên các nền tảng số Việt Nam miễn phí và thông dụng như Zalo, Mocha, Gapo... Mỗi xã, phường, thị trấn tạo một nhóm chung bao gồm lãnh đạo UBND cấp xã, lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện, lãnh đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn trong việc hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân.
Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã thực hiện theo sự hướng dẫn, điều phối chung của Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện (Phòng Văn hóa và Thông tin). Đối với Tổ Công nghệ số cộng đồng thôn: Thực hiện sự hướng dẫn và điều phối chung của Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện (Phòng Văn hóa và Thông tin) và UBND cấp xã. Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp tương tác, hướng dẫn hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng và các thành viên của Tổ, cùng chia sẻ cách làm hay, các trường hợp điển hình./.