Xác định mục tiêu trước mắt và lâu dài
Thực hiện Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đặt ra những mục tiêu quan trọng trong từng nhiệm vụ, lĩnh vực đối với từng giai đoạn cụ thể.
Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, đối với nhiệm vụ phát triển chính quyền số, ngành phấn đấu đảm bảo 100% TTHC có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. 100% DVCTT mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tối thiểu 20% thủ tục hành chính được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số.
Đối với hoạt động của hệ thống toàn ngành, phấn đấu 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% hoạt động quản lý nhà nước ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông quốc gia trong các hoạt động quản lý nhà nước (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
100% các dữ liệu có thể dùng chung của Ngành được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh. 70% cơ sở dữ liệu (CSDL) về lao động, người có công và xã hội và các lĩnh vực khác của ngành được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; trong đó cơ bản hoàn thành CSDL về lao động, người có công và xã hội đóng góp cho hạ tầng dữ liệu không gian của Tỉnh (SDI); sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện DVCTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số…
Mục tiêu xa hơn đến năm 2030, toàn Ngành phấn đấu giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính thuộc ngành. Sử dụng ít nhất 10 loại dữ liệu số để thay thế thành phần hồ sơ phải nộp trong cung cấp dịch vụ công. 80% hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước ngành được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của ngành. 60% dữ liệu giám sát được thu nhận, cập nhật thường xuyên bằng thiết bị và công nghệ số. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển nền tảng cho chuyển đổi số
Nhằm tạo dựng hành lang pháp lý, cơ sở để triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, Ngành LĐTBXH xác định trong thời gian trước mắt cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản, thể chế, trong đó chú trọng xây dựng và ban hành các quy định thu thập, tạo lập, quản lý, khai thác và sử dụng CSDL ngành LĐTBXH trên địa bàn tỉnh; quy định về giao nộp hồ sơ của người dân và doanh nghiệp; Quy định về hồ sơ đầu vào đối với dịch vụ công…
Đối với nhiệm vụ phát triển hạ tầng số, Ngành tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT đảm bảo đủ năng lực vận hành hệ thống Chính quyền điện tử tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền hình trực tuyến; nâng cấp, bổ sung, thay thế thiết bị, hạ tầng mạng, đảm bảo vận hành, kết nối thông suốt và sẵn sàng chuyển đổi Ipv4 sang Ipv6.
Cùng với đó, Ngành LĐTBXH cũng đang tập trung xây dựng và phát triển dữ liệu, trong đó chú trọng tổ chức số hóa, hoàn thiện dữ liệu quản lý chuyên ngành lao động, người có công và xã hội. Từng bước chuẩn hóa hồ sơ điện tử từ hệ thống quản lý văn bản, dịch vụ công và các hệ thống thông tin phục vụ phát triển chính quyền điện tử. Kết nối dữ liệu Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với dữ liệu của các ngành khác trên địa bàn tỉnh nhằm chia sẻ dữ liệu, thông tin dùng chung phục vụ khai thác và nghiên cứu. Đồng thời tập trung xây dựng, cung cấp các nền tảng dữ liệu số như: Nền tảng dữ liệu, thông tin thị trường lao động, việc làm, dạy nghề...; Nền tảng dữ liệu, thông tin Bảo vệ, chăm sóc trẻ em...; Nền tảng dữ liệu, thông tin người có công; Nền tảng dữ liệu, thông tin về Bảo trợ xã hội, giảm nghèo...
Chú trọng xây dựng chính quyền số
Với vị trí là một ngành đặc thù với các lĩnh vực quản lý rộng, nhiều chính sách đặc thù đối với từng diện đối tượng cụ thể đòi hỏi Ngành LĐTBXH cần tập trung xây dựng, nâng cấp, phát triển, vận hành các hệ thống thông tin nội bộ, chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời cần cung cấp dịch vụ thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính. Do đó trong thời gian tiếp theo, ngành tập trung phát triển một số chương trình trong các lĩnh vực cụ thể như:
Chương trình Quản lý người có công với cách mạng, giúp cho cơ quan có thẩm quyền có thể biết được thông tin đời sống, quá trình công tác, thông tin thân nhân của người có công, qua đó thực hiện các chính sách cho người có công kịp thời, đúng quy định.
Chương trình Quản lý Lao động - Việc làm: Quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) doanh nghiệp, CSDL người lao động, CSDL tuyển dụng lao động và CSDL quá trình làm việc của người lao động cũng như nhu cầu việc làm trên địa bàn tỉnh.
Chương trình Quản lý Giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề: Hỗ trợ thu thập, quản lý, khai thác các thông tin về nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu tìm kiếm việc làm và đào tạo nghề, từ đó làm cơ sở để kết nối việc làm, kết nối đào tạo nghề giữa người lao động với doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề; Xác định kiến thức và kỹ năng số cơ bản và nâng cao đối với người lao động trên môi trường số; lồng ghép vào chương trình đào tạo, các môn học liên quan tới kỹ năng số, công nghệ thông tin nhằm cung cấp các kỹ năng số cơ bản, nâng cao cho người học. Xây dựng các bộ công cụ thích hợp để phân tích dữ liệu lớn. Dự báo các năng lực và kỹ năng số cần có của ngành, nghề, đặc biệt là các ngành nghề phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa và xây dựng mới chuẩn kiến thức, năng lực thực hiện cho các ngành nghề đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số…
Đào tạo nghề tại trường Cao đẳng Nghề Bắc Kạn (Ảnh minh họa)
Nâng cấp, tối ưu hóa các ứng dụng thuộc lĩnh vực Trẻ em, bao gồm thông tin trẻ em, các chế độ trợ cấp theo từng loại hoàn cảnh giúp cho các cơ quan thẩm quyền dễ dàng theo dõi cũng như có sự quan tâm đối với trẻ em trong tỉnh;... Các ứng dụng thuộc lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội: Cung cấp đầy đủ thông tin đối tượng cai nghiện, thông tin trong quá trình cai nghiện cho các đối tượng giúp cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát và giúp đỡ người nghiện ma túy có thể tái hòa nhập cộng đồng,... Các ứng dụng thuộc lĩnh vực Bảo trợ xã hội, quản lý cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo để thực hiện tốt chính sách của nhà nước về hỗ trợ các đối tượng này một cách đầy đủ, chính xác, đúng đối tượng…
Là một trong những ngành quản lý nhiều diện đối tượng và chính sách đặc thù, do đó việc chuyển đổi số là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Ngành LĐ-TB&XH nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và thực thi các chính sách an sinh xã hội, góp phần chung vào việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bằng việc xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho từng lĩnh vực trong mỗi giai đoạn, tin tưởng rằng Ngành LĐ-TB&XH sẽ đạt được những kết quả quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số./.