Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 39
Xem với cỡ chữ

Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử - chìa khóa thành công của chính quyền số

Trong quá trình chuyển từ nền hành chính truyền thống sang nền hành chính điện tử, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo môi trường thuận lợi cho công dân, tổ chức tham gia giao dịch điện tử và được xem là một trong những chìa khóa của việc xây dựng chính quyền số ở mỗi địa phương.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được coi là giải pháp thúc đẩy chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ hành chính công. Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử ra đời để thiết lập hành lang pháp lý thống nhất cho việc tổ chức, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi và cắt giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời huy động sự tham gia của các cơ quan trong nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua việc kiểm soát quy trình thực hiện lựa chọn, xây dựng, rà soát, đánh giá thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Nghị định số 45/2020/NĐ-CP quy định về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của tổ chức, cá nhân. Nghị định công nhận giá trị pháp lý của việc thực hiện và kết quả giải quyết trên môi trường điện tử cũng thúc đẩy việc thực hiện, giúp giảm các chi phí và thời gian của tổ chức, cá nhân trong chuẩn bị và thực hiện thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin như chi phí in ấn, sao chụp, chứng thực tài liệu... Qua đó góp phần thay đổi thói quen của người dân, doanh nghiệp trong việc chuyển từ cách thức giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước sang giao dịch trực tuyến qua mạng.

Cùng với việc ban hành Nghị định 45, trong thời gian qua, lần lượt với việc khai trương và đưa vào vận hành chính thức Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia... đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy.

Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là quyết tâm chung của các bộ, ngành, địa phương

Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số là nhiệm vụ khó và cần sự tham gia tích cực của người dân. Cùng với các địa phương trong cả nước, thời gian qua, Bắc Kạn đã quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, mạng di động, mạng truyền số liệu chuyên dùng theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phục số số hoá, chuyển đổi số. Đội ngũ cán bộ, công chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, phân tích, xử lý dữ liệu… đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra. 

Cùng với các giải pháp trọng tâm từ phía chính quyền địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi thói quen của người dân trong thực hiện các giao dịch hành chính công. Trong đó việc nâng cao nhận thức, chuyển biến mạnh mẽ về hành động của cán bộ, công chức, viên chức và cả người dân về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử được xem là then chốt trong quá trình triển khai.

Công tác tuyên truyền về được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức trên Cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông của các cơ quan thông tấn, báo chí. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã xây dựng các video clip hướng dẫn công dân thực hiện TTHC để tổ chức, công dân tra cứu.

Bên cạnh đó, kênh thông tin Hệ thống CQĐT tỉnh Bắc Kạn ra đời nhằm đáp ứng trước hết những nhu cầu của người dân về giải quyết TTHC. Người dân chỉ cần lên Zalo tra cứu là biết hồ sơ của mình đang được giải quyết đến đâu, có kết quả chưa, nếu có thiếu thì được biết để chủ động sắp xếp công việc đi làm hồ sơ bổ sung. Đây là giải pháp rất tiện lợi cho những bà con nhà ở các thôn bản, xa trung tâm của tỉnh miền núi Bắc Kạn. Người dân không cần phải ra khỏi nhà mà vẫn được chính quyền thông tin kịp thời về tiến độ giải quyết TTHC của mình.

Với những giải pháp linh hoạt, tin tưởng trong thời gian tới, mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số ở Bắc Kạn sẽ đạt được kết quả cụ thể, với sự tham gia hưởng ứng tích cực, thường xuyên hơn từ phía người dân và doanh nghiệp. Một nền hành chính không giấy tờ - nền hành chính số được hình thành sẽ là cơ sở quan trọng để hình thành nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy mọi hoạt động được tiến hành nhanh hơn, tiện lợi hơn, chính xác hơn, thông minh hơn, minh bạch hơn./.

Nguyễn Nga