Chủ Nhật, 24/11/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 39
Xem với cỡ chữ

Để người dân thấy được lợi ích thật sự khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Hạn chế về thiết bị công nghệ cùng với rào cản tâm lý truyền thống... là những khó khăn trong việc nâng tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. "Thay đổi thói quen" để người dân thấy được lợi ích thật sự khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến… sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được xem là nhiệm vụ hàng đầu nhằm phát triển chính phủ điện tử (CPĐT), hướng tới chính phủ số trong giai đoạn mới. Hiện nay, các địa phương đang rất quyết liệt triển khai đưa các DVCTT đủ điều kiện lên mức độ 4. Tuy nhiên, đưa thành công các DVC lên môi trường trực tuyến mới chỉ là tạo thêm một kênh để giải quyết các TTHC. Các cơ quan, đơn vị cần có các giải pháp để người dân đến với kênh giải quyết TTHC online, từ đó mới phát huy hiệu quả của DVCTT.

Cổng Thông tin dịch vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn chi tiết quy trình nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến
dành cho công dân

Tại Bắc Kạn, thời gian qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được quan tâm, đẩy mạnh. Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh từng bước được nâng cấp, hoàn thiện. Hiện nay, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh (cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) đều được thực hiện trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Bộ phận một cửa các cấp tiếp tục duy trì thực hiện tốt việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thông qua phần mềm một cửa điện tử. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh được công bố quy trình nội bộ giải quyết TTHC để làm cơ sở điện tử hóa quy trình giải quyết của các TTHC tại phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.

 Chỉ tính riêng trong quý II năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành 08 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền quản lý và giải quyết của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với tổng số 545 quy trình TTHC. Theo đó, việc giải quyết TTHC được công khai, minh bạch, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ theo dõi được trạng thái tiến độ giải quyết TTHC của mình.

Đưa thành công các dịch vụ công (DVC) lên môi trường trực tuyến mới chỉ là tạo thêm một kênh để giải quyết các thủ tục hành chính. Làm thế nào để người dân đến với kênh giải quyết TTHC trực tuyến, từ đó mới phát huy hiệu quả DVC trực tuyến. Một trong những rào cản khiến người dân chưa mặn mà sử dụng DVCTT là thiết bị. Với đặc thù tỉnh miền núi vùng cao, dân tộc thiểu số, nhiều địa phương còn khó khăn, việc thiếu các thiết bị (điện thoại thông minh, laptop…) có thể kết nối và làm các thao tác trên máy nhằm thực hiện TTHC trực tuyến là một thực tế của tỉnh Bắc Kạn. Chưa kể đến trình độ dân trí, ít tiếp xúc với công nghệ.

Một rào cản nữa đó là tâm lý truyền thống của người dân khi làm TTHC. Thông thường, người dân vẫn có thói quen đến trực tiếp cơ quan nhà nước để làm TTHC, với suy nghĩ "chắc chắn", và để được hỏi, hướng dẫn cụ thể các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan và cảm thấy an tâm hơn khi đến trực tiếp trụ sở cơ quan hành chính để được hướng dẫn và thực hiện.

Không có giải pháp nào bằng giải pháp phải hành động với tinh thần quyết liệt, đồng bộ và kiên trì. Khi người dân cảm nhận được lợi ích thiết thực đối với mình khi tham gia các DVCTT,  hiểu rõ những tiện ích của DVCTT, có phương tiện công nghệ, họ sẽ dần dần thay đổi cách làm, thậm chí họ sẽ tuyên truyền cho anh em, họ hàng và hàng xóm. Như vậy, thói quen truyền thống của người dân sẽ dần dần thay đổi.

Với tinh thần đó, Bắc Kạn đang triển khai thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã/thôn trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 265/KH-UBND ngày 25/4/2022 của UBND tỉnh triển khai thí điểm Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Các Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ là cánh tay nối dài của chính quyền để thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Việc làm này được kỳ vọng sẽ triển khai có hiệu quả nền tảng số, công nghệ số đến từng ngõ ngách, gắn với cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông và quảng bá hiệu quả về dịch vụ công trực tuyến để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ việc sử dụng DVCTT. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng.

Người dân trước nay vẫn có thói quen truyền thống là đến tận cơ quan hành chính để làm các TTHC cần thiết. Vì thế, việc thay đổi thói quen của công dân trong việc sử dụng DVC thông qua Trung tâm phục vụ hành chính công cũng sẽ là một công việc quan trọng, để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những thông tin trực tuyến, dần dần từ bỏ phương thức liên hệ kiểu cũ với cơ quan nhà nước.

Để tuyên truyền hiệu quả và thay đổi thói quen của người dân, cần cung cấp đa dạng các kênh giao tiếp, giúp người dân, doanh nghiệp lựa chọn hình thức xử lý dịch vụ công phù hợp nhất. Từng bước tiến tới xác định Internet sẽ là kênh cung cấp dịch vụ chính cho công dân. Có dịch vụ công trực tuyến rồi, cần tăng tỷ lệ hồ sơ phát sinh. Nếu không, DVCTT chỉ là một kênh làm TTHC và nếu người dân không sử dụng, sẽ không đạt hiệu quả về cải cách TTHC, xây dựng chính quyền số. Bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền, mỗi người dân cần chủ động nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin để sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đóng góp vào lộ trình chuyển đổi số của địa phương./.

Nguyễn Nga