Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 29
Xem với cỡ chữ

Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phục vụ xây dựng chính quyền số: Nỗ lực từ phía chính quyền

Thực hiện tốt công tác chỉ đạo điều phối, ứng cứu khẩn cấp sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, tuân thủ yêu cầu của Cơ quan điều phối quốc gia trong điều phối, ứng cứu sự cố mạng, máy tính… là những nỗ lực của tỉnh Bắc Kạn trong đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phục vụ xây dựng chính quyền số, 1 trong 3 trụ cột của quá trình chuyển đổi số quốc gia.

An toàn thông tin (ATTT) là nội dung quan trọng, một nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng, triển khai chính quyền số. Cùng với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số, các cuộc tấn công vào hệ thống mạng, đánh cắp thông tin, làm lộ lọt, xuyên tạc thông tin… đang diễn ra hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn cho mỗi quốc gia. Vì vậy, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Cùng với các tỉnh thành trên cả nước, thời gian qua, vấn đề đảm bảo an toàn thông tin phục vụ chuyển đổi số được tỉnh Bắc Kạn đặc biệt chú trọng. Tỉnh đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin theo mô hình tập trung, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đảm bảo ATTT. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, nơi tập trung hạ tầng và các ứng dụng dùng chung tỉnh có hệ thống trang thiết bị đảm bảo an toàn thông tin hiện đại, sẵn sàng hoạt động 24/7. Dữ liệu của Trung tâm dữ liệu tỉnh được sao lưu, dự phòng đảm bảo an toàn, khả năng phục hồi cho các hệ thống thông tin trọng yếu dùng chung. Trung tâm Tích hợp dữ liệu được trang bị hệ thống xử lý thông tin hiện đại bao gồm hệ thống máy chủ có hỗ trợ công nghệ ảo hóa và tốc độ xử lý cao, hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung có tính dự phòng cao; trang thiết bị mạng, thiết bị bảo mật đảm bảo an toàn thông tin, hệ thống quản trị, giám sát tập trung cho ứng dụng, hạ tầng mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo an toàn và phòng chống cháy nổ… mang lại hiệu quả cao cho hoạt động đảm bảo ATTT trong vận hành các ứng dụng dùng chung phục vụ Chính quyền điện tử.

Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm CNTT&TT thường xuyên kiểm tra hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm Tích hợp dữ liệu

Là cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin và truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông luôn đi đầu nêu cao trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn thông tin; kịp thời cảnh báo, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị về các biện pháp phòng ngừa, khắc phục các nguy cơ, sự cố mất ATTT; duy trì thực hiện gán nhãn tín nhiệm mạng cho trang Thông tin điện tử của các đơn vị.

Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; thực hiện gắn kết đồng bộ giữa ứng dụng CNTT với công tác CCHC; xây dựng quy trình và các hướng dẫn thực hiện đảm bảo an toàn thông tin số trong nội bộ cơ quan nhà nước của tỉnh; nghiên cứu các quy trình bảo mật và đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ quản trị hệ thống, và người sử dụng hệ thống khi giao tiếp, trao đổi; ban hành các quy chuẩn về hệ thống máy tính, trang thiết bị, máy chủ, phần mềm hệ thống, phần mềm nghiệp vụ. Triển khai giám sát, phát hiện sớm các sự cố, tấn công mạng; triển khai kiểm tra, đánh giá, phát hiện các lỗ hổng, điểm yếu của hệ thống. Nâng cao năng lực đội ngũ an toàn thông tin và lực lượng ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng. Tổ chức đào tạo cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách về ATTT; tham gia các đợt huấn luyện, diễn tập về ATTTM. Đẩy mạnh hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh, ATTT. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích ứng dụng CNTT và tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thông tin. Đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của người dân trong việc đảm bảo an toàn thông tin trong khai thác sử dụng Internet, trong các giao dịch dịch vụ công trực tuyến với các cơ quan Nhà nước, trong các giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó là sự vào cuộc đồng bộ của lực lượng công an trong việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tuyên truyền Luật An ninh mạng và phương thức thủ đoạn phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, hơn 2000 người là giáo viên, học sinh và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tuyên truyền pháp luật về an ninh mạng. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã thực hiện kiểm tra, rà quét lỗ hổng bảo mật cho 08 huyện, thành phố, 02 sở, ngành và kiểm tra, dán tem an ninh, an toàn thông tin cho các thiết bị công tác; qua kiểm tra đã bóc gỡ gần 1000 virus, mã độc và 28 lỗ hổng bảo mật trên các Trang thông tin điện tử của sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin với các hệ thống liên quan nhằm đảm bảo điều kiện kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo Đề án 06.

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đồng thời gắn liền với việc cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, các nguy cơ về ATTT mạng đang là những thách thức lớn. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, nhanh chóng triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung về bảo đảm ATTT; ban hành quy chế cho đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của tỉnh; bố trí kinh phí duy trì hàng năm từ nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư, giám sát, đánh giá, quản lý rủi ro ATTT; đào tạo ngắn hạn, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, diễn tập an toàn thông tin và ứng cứu sự cố cho cơ quan, tổ chức nhà nước. Tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động giám sát đảm bảo ATTT, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về các nguy cơ mất ATTT, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động ứng dụng CNTT cũng như mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng để qua đó thúc đẩy ứng dụng và phát triển thông tin và truyền thông một cách an toàn và hiệu quả.

Trước tình hình lây nhiễm mã độc, lộ lọt thông tin gây tổn hại cho người dùng cá nhân, các cơ quan, đơn vị, để trở thành người dùng mạng thông minh, người dùng Internet cần tự nâng cao kiến thức và kỹ năng bảo vệ mình. Các cơ quan nhà nước cần tăng cường sử dụng các ứng dụng dùng chung để trao đổi công việc như hệ thống thư công vụ, thay thế sử dụng thư miễn phí trong trao đổi công vụ để đảm bảo an toàn thông tin./.

Nguyễn Nga